Số hoá, xanh hoá dệt may để tạo lợi thế cạnh tranh

Số hóa, xanh hoá giúp các khâu trong ngành dệt may kết nối với nhau, tăng năng suất lao động, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thị trường nội địa và quốc tế, thu hút khách hàng, tiến nhanh đến thị trường mục tiêu…

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) dự kiến, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may 6 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 18,6 tỷ USD, giảm 17,6% so với cùng kỳ năm trước.

1. Số hoá giúp ứng phó với áp lực giao hàng nhanh

Những thách thức mà ngành dệt may đang phải chịu áp lực đó là lượng tồn kho toàn cầu vẫn tiếp tục, lạm phát cao tại một số thị trường lớn, FED tăng lãi suất liên tục, dư âm của dịch bệnh, chiến tranh, sức mua giảm…

 

Để vượt qua những thách thức này, tại hội thảo “Thúc đẩy số hóa, xanh hóa sản xuất dệt may” do Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) và Công ty Jack tổ chức, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho rằng cộng đồng doanh nghiệp dệt may Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp FDI đã thích ứng cực kỳ nhanh và tìm được lối thoát bằng con đường số hoá, xanh hoá sản xuất.

 

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas: “Cộng đồng doanh nghiệp dệt may Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp FDI đã tìm được lối thoát bằng con đường số hoá, xanh hoá sản xuất”.

Các doanh nghiệp đã cơ cấu lại dây chuyền sản xuất, công nghệ, mô hình sản xuất của doanh nghiệp để thích ứng từ việc chuyển đổi sản xuất hàng chuyên môn hoá cao sang mặt hàng thích ứng nhanh, đơn hàng nhỏ, cạnh tranh về giá, giao hàng nhanh, chất lượng khắt khe…

 

Ông Zheng Haitao, Tổng Giám đốc chiến lược khách hàng lớn toàn cầu Jack Technology, cho rằng hiện doanh nghiệp dệt may thiếu đơn hàng nên phải làm những đơn hàng nhỏ, giao hàng nhanh. Trong khi đó, khách hàng yêu cầu phải truyền tải những thông tin để biết được đơn hàng của họ đang sản xuất ở giai đoạn nào, khi nào được giao… công nghệ số hoá sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết được những yêu cầu này.

 

Giải pháp kết nối thông minh toàn diện Jack với hỗ trợ nền tảng IoT công nghiệp và nền tảng sinh thái phần mềm ứng dụng, thông qua bộ giải pháp kết nối thông minh và kết nối Starlink, nối liền 7 “đảo dữ liệu” gồm: kho nguyên phụ liệu, trải cắt, phòng may, khâu hoàn thành, kho thành phẩm, không chỉ giúp các doanh nghiệp may mặc nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn giúp hình thành một mô hình sinh thái tốt hơn trong chuỗi công nghiệp.

 

Đặc biệt, dòng máy A.M.H (Vua đơn hàng nhanh), vừa có thể may được vải cực mỏng, vải dày và cả vải giãn, giúp doanh nghiệp dệt may một ngày may được trăm mẫu mà không cần đổi máy và thích ứng với những thay đổi mới của quy trình sản xuất quần áo theo lô nhỏ, nhiều kiểu dáng, giao hàng nhanh.

 

Tổng công ty May 10 đã tiên phong trong ứng dụng số hoá vào các khâu trong sản xuất, ông Trịnh Đức Sơn, công nhân Tổng công ty May 10 cho biết tự động hoá trong nhiều khâu sản xuất đã giúp người lao động tiết kiệm thời gian, tăng năng suất của mình lên 25-30% và ổn định về chất lượng sản phẩm.  

 

Không chỉ tự động hoá trong sản xuất, ông Lê Xuân Vỹ, Phó Tổng Giám đốc công nghệ cao dệt may TNG, cho biết TNG đã áp dụng nhiều công nghệ nhằm kiểm soát rủi ro trong xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh và theo dõi thực hiện; cân đối nguồn lực doanh nghiệp; cảnh báo rủi ro về nút thắt cổ chai trong quá trình sản xuất; cảnh báo rủi ro về chất lượng.

 

Bên cạnh đó, quản trị nhân sự và nâng cao nguồn nhân lực cũng ứng dụng chuyển đổi số để giao việc và tính lương ngày cho người lao động. Dữ liệu trên hệ thống được số hoá hoàn toàn, tự đánh giá KPI cho từng nhân sự, kiểm soát định biên nhân sự để các đơn vị cấp dưới dựa vào định biên thực hiện theo.

 

TNG ứng dụng AI và khai thác nền tảng thiết bị di động nhằm nâng cao năng suất như công cụ tính SAM tự động (rút đi 2/3 thời gian tính toán thủ công bằng excel), giao việc tự động, tính định mức chỉ tự động, kho thông minh – công cụ kiểm soát vật tư tồn kho, tuổi tồn kho.

 

2. Xanh hoá là con đường phải đi

Không chỉ số hoá, áp dụng công nghệ, ngành dệt may còn đòi hỏi phải phát triển xanh hoá. Hiện nay nhiều thị trường lớn như EU yêu cầu sản phẩm dệt may phải có tuổi thọ lâu dài, có thể tái chế, tái sử dụng được sản phẩm để giảm tiêu thụ tài nguyên, giảm gây hiệu ứng nhà kính, giảm sử dụng nước và hoá chất độc hại. Đây là bài toán lớn đối với ngành dệt may.

 

Chủ tịch Vitas cho rằng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược dệt may 2030-2035 – đây là xương sống cho phát triển ngành. Nhưng đây chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Theo ông Giang, chúng ta đã có chiến lược phát triển dệt may, giờ phải có chiến lược hoạch định cụ thể chiến lược của Chính phủ về những giải pháp phát triển các ngành công nghiệp, trong đó có công nghiệp dệt may Việt Nam.

 

Không chỉ số hoá, áp dụng công nghệ, ngành dệt may còn đòi hỏi phải phát triển xanh hoá.

Cụ thể, như phát triển các khu công nghiệp nào để thu hút đầu tư vào dệt, nhuộm. “Đây là thách thức cực kỳ lớn trong bối cảnh nguồn cung thiếu hụt và phải nhập khẩu. Chúng ta có 17 FTA đã ký, trong đó có nhiều FTA đòi hỏi đáp ứng yêu cầu từ sợi trở đi.

 

Vì thế chiến lược phải được Chính phủ quy hoạch một cách cụ thể, địa phương nào có nhiệm vụ thu hút đầu tư dệt, nhuộm… Đây không phải là tương lai mà ngay bây giờ chúng ta cần phải đẩy mạnh, cần một tầm nhìn, chiến lược được hoạch định rõ ràng”, lãnh đạo Vitas nhấn mạnh.

 

Trong tầm nhìn từ nay đến 2050, số hoá và xanh hoá là xu thế tất yếu của ngành dệt may. Cần thích ứng sản phẩm tuần hoàn vào sản phẩm dệt may, đây là bắt buộc chứ không còn chỉ nằm trên giấy.

 

Do đó, Chính phủ phải đồng hành cùng doanh nghiệp để xây dựng chiến lược xanh hoá, đầu tư các nhà máy có hạ tầng đạt các chuẩn mực đánh giá của các nhãn hàng như môi trường làm việc, nước thải, khí thải, năng lượng tái tạo bằng điện mặt trời áp mái.

 

Đặc biệt, cần có Quỹ tài nguyên môi trường hỗ trợ doanh nghiệp phát triển xanh, vay lãi suất chỉ bằng 0-2%/năm nhằm khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ theo cam kết COP 26. Điều này đòi hỏi chính phủ phải có dòng tiền cho chiến lược này.

 

Ông Raymond Jin, Tổng Giám đốc Shengzhou Sunrise Energy đánh giá, tiềm năng điện mặt trời Việt Nam đang rất lớn. Đây là cơ hội cho ngành may mặc Việt Nam tận dụng năng lượng mặt trời vào hệ thống sản xuất.

 

Trong tương lai đây là nguồn thay thế hoặc bổ trợ cho nguồn thuỷ điện hiện nay đang rất khan hiếm, là nguồn năng lượng sạch, an toàn và có thể sử dụng vô tận. Quá trình phát điện không gây ô nhiễm môi trường, không gây hại cho hệ sinh thái, đồng thời cũng là một phần hỗ trợ xưởng may trong quá trình đi đến con đường sản xuất số hóa, sản xuất xanh hóa.

 

Trên đây là thông tin Vietsoft tổng hợp được về chủ đề số hóa doanh nghiệp. Hy vọng bài viết đã giúp quý doanh nghiệp dệt may có được những hiểu biết quan trọng và định hướng cho hành trình chuyển đổi số thành công trong tương lai! 

Liên hệ Vietsoft ngay hôm nay để được tư vấn cụ thể và triển khai các giải pháp chuyển đổi số phù hợp cho doanh nghiệp dệt may của bạn!

Nguồn: VnEconomy, Tạp chí điện tử của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam