Giải pháp ERP trên mây cho nhà máy – chọn tự xây hay thuê ngoài

Trong bối cảnh mùa dịch, khách hàng tăng cường tích trữ, chủ động thu thập dữ liệu qua ERP là giải pháp giúp các nhà máy quản lý và phân tích dữ liệu từ hoạt động kinh doanh của mình

Giải pháp ERP trên mây cho nhà máy - chọn tự xây hay thuê ngoài

1. Tác động của chuỗi cung ứng tới doanh nghiệp sản xuất Việt Nam

Ông Nguyễn Thái Nguyên – Quản lý cấp cao mảng SAP và ERP của ABeam Consulting, COVID-19 tạo nhiều thay đổi trong chuỗi cung ứng và tất cả các bên. Từ khách hàng, nhà bán lẻ cho đến các nhà máy và các nhà cung cấp.

 

Khách hàng tăng cường tích trữ, chuyển từ thói quen truyền thống của việc mua sắm tại cửa hàng sang mua sắm trên mạng. Nhà bán lẻ mau chóng thiếu hụt các mặt hàng thiết yếu, nhưng lại dư thừa các mặt hàng khác. Các nhà bán buôn cũng bị thiếu hụt các mặt hàng thiết yếu trong một thời gian ngắn, khó khăn trong việc lập kế hoạch tồn kho. Các nhà phân phối đối mặt với nguy cơ bị bỏ qua khi mà mô hình D2C (Direct to Customer) và DSD (Direct to Store Delivery) trở nên phổ biến trong tình hình dịch.

 

Về phía các nhà máy, nhóm này cũng có những khó khăn riêng như là: không thể đáp ứng đơn hàng kịp thời, do tình trạng đứt gãy và thiếu hụt nguyên vật liệu hoặc nhân công. Hoặc nhà máy thiếu đi năng lực sản xuất để đáp ứng như cầu khách hàng. Sự đứt gãy trong vận tải và hậu cần cũng góp phần tạo thêm khó khăn cho các nhà máy trong việc vận chuyển hàng hóa ra các cảng biển hoặc nhà ga.

 

Các nhà cung cấp nguyên vật liệu cho nhày máy cũng bị ảnh hưởng của chuỗi cung ứng, làm gián đoạn việc cung cấp nguyên vật liệu, đẩy họ vào tình trạng thiếu đi một vài nguyên vật liệu. Chỉ việc thiếu đi một vào nguyên vật liệu cũng đủ làm gián đoạn sản xuất và mất đơn hàng.

 

Trong bối cảnh này, theo ông Nguyên, các nhà máy cần chủ động thu thập dữ liệu qua ERP (Enterprise resource planning systems). Giải pháp phần mềm quản lý đa chức năng, đa phòng ban này giúp doanh nghiệp có thể sử dụng thu thập, lưu trữ, quản lý và phân tích dữ liệu từ hoạt động kinh doanh của mình.

 

Thị trường ERP toàn cầu dự đoán có mức tăng trưởng CAGR 8,2% trong năm 2022. Riêng khu vực châu Á – Thái Bình Dương, dự đoán giá trị sẽ tăng lên 26,4 tỉ USD đến năm 2026, với xuất phát từ mức 9,7 tỉ USD trong năm 2020.

 

Nhằm đáp ứng nhu cầu hiện nay, ông Nguyên phân tích các giải pháp ERP cũng phải thay đổi. Thứ nhất, chi phí thấp ở mức chấp nhận được để hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu chi phí. Thứ hai là tính sẵn sàng, trong bình thường mới với nhiều thay đổi, doanh nghiệp không thể chờ hàng năm hoặc hàng quý để triển khai một hệ thống.

 

Tiếp theo cần triển khai nhanh và dễ dàng, doanh nghiệp không cần tốn quá nhiều nguồn lực như cách truyền thống. Cùng với đó, hệ thống ERP mới phải đáp ứng được đặc thù của doanh nghiệp; chi phí bảo hành, bảo trì thấp; hoạt động một cách tin cậy.

 

Một trong những giải pháp đáp ứng tiêu chí trên là SAP S/4HANA – hệ thống ERP trên nền tảng điện toán đám mây.

 

“Một vấn đề quan trọng cho doanh nghiệp là cân nhắc chuyển ứng dụng lên điện toán đám mây. Việc tồn tại của các ứng dụng trên nền tảng này sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp trong bình thường mới”, ông Nguyên nói.

 

2. Hạ tầng ERP cho doanh nghiệp sản xuất – chọn tự xây hay thuê ngoài?

Ông Nguyên cho rằng, vấn đề quan trọng cho doanh nghiệp là cân nhắc chuyển các ứng dụng lên Cloud hay theo cách truyền thống là giữ nguyên tại doanh nghiệp. Và việc tồn tại của các ứng dụng Cloud ở các doanh nghiệp trong tương lai chắc chắn sẽ là một xu hướng tất yếu trong Bình thường mới.

 

Báo cáo của Abeam Consulting cho thấy, năm 2019 tỉ lệ áp dụng ứng dụng điện toán đám mây đã đạt 85%. Nguyên nhân của mức tăng trưởng đó là chi phí triển khai cạnh tranh so với giải pháp truyền thống, khả năng mở rộng linh hoạt và chi phí bảo trì hợp lý.

 

Điểm tranh cãi hiện nay là doanh nghiệp tự xây dựng Cloud (On Premise) hay thuê ngoài (On Cloud). Và On Cloud đang thắng thế bởi nhiều lý do. Đầu tiên chi phí đầu tư ban đầu của On Cloud là thấp hơn On Premise. Hai là, chi phí vận hành hằng năm, On Cloud sẽ có thể dự tính được, trong khi On Premise sẽ khó dự tính hơn, mặc dù tổng chi phí có thể thấp hơn On Cloud.

 

Ba là, mức độ mở rộng trong tương lai, On Cloud sẽ có tính mở rộng cao hơn On Premise. Do việc mở rộng On Cloud được đảm trách bởi đội ngũ kỹ thuật chuyên môn còn On Oremise bị giới hạn bở ngân sách và đội ngũ kỹ thuật nội bộ. Cuối cùng là chi phí bảo hành bảo trì hệ thống.

 

Rõ ràng On cloud sẽ thắng áp đảo On Premise ở điểm này. Điều này đặc biệt đúng khi ở những hệ thống ERP trong tương lai sẽ đòi hỏi không những phần mềm mà còn hệ thống phần cứng và hạ tầng đi kèm, với các yêu cầu chuyên môn rất khác nhau mà một doanh nghiệp khó lòng duy trì với một ngân sách giới hạn.

Nguồn: tuoitre.vn