Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Hóa giải thách thức của ngành dệt may

Phát triển công nghiệp hỗ trợ từng bước tự chủ nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước là một trong những vấn đề cốt lõi để phát triển bền vững công nghiệp Việt Nam.

 

Đơn hàng dồi dào, thị trường có dấu hiệu phục hồi tích cực, song nhiều doanh nghiệp dệt may lại đang lo lắng trước thách thức về nguồn cung nguyên phụ liệu.

 

Đây không chỉ là khó khăn trong ngắn hạn mà còn là bài toán về tự chủ đầu vào của các doanh nghiệp trong nước, hướng tới một chiến lược phát triển bền vững trong tương lai.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ hóa giải thách thức của ngành dệt may Việt Nam

1. Giá đầu vào tăng gây áp lực lên sản xuất

 

Là một trong những thương hiệu tên tuổi, Tổng Công ty May 10 hiện đã có đơn hàng đến hết quý 3/2022, riêng với mặt hàng veston đã có đơn hàng đến cuối năm. Song nỗi lo lớn nhất của May 10 là việc Trung Quốc thực hiện chính sách Zero COVID đã tác động không nhỏ tới chuỗi cung ứng.

 

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc May 10 chia sẻ hiện doanh nghiệp đang điều chỉnh lại nhận định về thị trường trước nhiều biến động. Đó là cuộc xung đột Nga-Ukraine khiến giá xăng dầu, khí đốt leo thang, kéo theo giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao.

 

Đặc biệt, với 50% nguyên phụ liệu dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi nước này áp dụng chiến lược Zero COVID, dẫn đến việc thiếu nguyên liệu ngay trong ngắn hạn và chi phí tăng cao.

 

Tuy vậy, đại diện doanh nghiệp này cho rằng, dù chi phí tăng cao, giá bán sản phẩm sẽ khó tăng, hoặc nếu tăng thì cũng không thể theo được tốc độ tăng của nguyên liệu đầu vào. Trong khi sản xuất của doanh nghiệp vẫn phải duy trì, nhưng nếu giá đầu vào tăng quá cao thì doanh nghiệp càng làm càng khó.

 

“Thực tế cho thấy, chi phí vận tải cao gấp 3 lần so với mức trung bình 5 năm trở lại đây. Bất lợi về tỷ giá khiến doanh nghiệp dệt may Việt Nam giảm sức cạnh tranh trước các đối thủ,” ông Thân Đức Việt lo ngại.

 

Còn theo ông Hoàng Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng quan trị Công ty Cổ phần Aligro, hàng dệt may thời trang theo mùa vụ, hàng Đông đã được sản xuất từ đầu Hè. Vì vậy, Aligro ưu tiên những đơn hàng đã đủ nguyên phụ liệu trước…, đảm bảo ổn định đầu vào và việc làm cho người lao động.

 

“Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Aligro đề cao việc ổn định cả về tinh thần và nguồn lực để kịp thời ứng phó, tránh tổn thất nhất là phải nghỉ do dịch. Lãnh đạo công ty và người lao động phải có trách nhiệm với chính mình và cộng đồng…,” ông Hoàng Văn Linh nói.

 

Đánh giá của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng cho thấy những dấu hiệu không mấy tích cực về nguồn cung nguyên phụ liệu do tác động của thị trường thế giới.

 

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Vinatex cho hay giá nguyên liệu đầu vào tăng như bông, xơ, sợi đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất-kinh doanh của ngành dệt may.

 

Ước tính, giá bông giao ngay tăng khoảng 19,1% so với hồi đầu năm. Chưa kể, giá các mặt hàng khác như xơ sợi nhân tạo khác cũng tăng cao do giá nguyên liệu đầu vào từ hóa dầu cũng tăng chóng mặt.

 

“Việc giá nguyên liệu tăng cùng tình trạng hàng hóa nhập khẩu về chậm do chính sách Zero COVID từ Trung Quốc, các chi phí vận chuyển khác như logistics tăng cao gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp dệt may,” ông Cao Hữu Hiếu nói.

 

2. Linh hoạt trước biến động

Ngành công nghiệp dệt may Việt Nam trong những năm gần đây đã có những bước tiến tích cực cả về sản xuất và xuất khẩu. Trong đó, tốc độ tăng trưởng trong sản xuất ngành dệt may bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 7,9%/năm, riêng năm 2018 tăng trên 33%.

 

Tuy vậy, 2 năm vừa qua (2020-2021), dệt may là một trong những ngành chịu tác động tiêu cực và kéo dài của dịch COVID-19. Đặc biệt, việc phân công trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, trong đó có nguyên phụ liệu đã tác động nhiều chiều đến hoạt động của ngành dệt may trong nước.

 

Ông Thân Đức Việt cho biết mặc dù trong những năm gần đây, các doanh nghiệp trong nước đã đầu tư và tăng cường sản xuất nguyên phụ liệu dệt may, tuy nhiên dệt may và thời trang Việt Nam nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu nên tỷ lệ nội địa hóa và ngành công nghiệp phụ trợ chưa được cao.

 

Để khắc phục tình trạng thiếu hụt nguyên phụ liệu do bị phụ thuộc vào nhập khẩu, May 10 đã đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các nhà cùng các nhà cung cấp trong nước. Qua đó cũng giúp cho May 10 tận dụng tối đa ưu đãi từ các FTA.

 

Bên cạnh đó, May 10 cũng linh hoạt trong công tác điều hành xuất nhập khẩu trong khâu vận chuyển (tàu biển, đường bộ, hàng không…). Chính vì vậy, May 10 luôn đảm bảo tiến độ giao hàng đúng hạn và tạo được uy tín lớn với khách hàng.

 

“Ngoài vấn đề đảm bảo nguồn cung, từ lâu, May 10 đã chú trọng đến yếu tố nguyên liệu xanh. Khách hàng yêu cầu sử dụng nguyên liệu tái chế, recycol, nguyên liệu nguồn gốc tự nhiên, dễ phân huỷ, tái chế… May 10 đã và đang tập trung hợp tác với các đối tác có sản phẩm đáp ứng thân thiện môi trường,” ông Thân Đức Việt thông tin thêm.

 

Về phía Tập đoàn Dệt may Việt Nam, đơn vị này đã có kế hoạch nhằm theo dõi rất sát tình hình thị trường để có những chiến lược mục tiêu ngắn cũng như dài hạn.

 

“Lúc này, công tác quản trị rủi ro được đặt lên trên hàng đầu. Tập đoàn liên tục đưa ra những cập nhật sâu sát nhất về tình hình bông xơ sợi, biến động nguyên phụ liệu đầu vào cho các doanh nghiệp thành viên, đồng thời nhập khẩu một lượng bông dự trữ nhất định cho các doanh nghiệp sợi với giá tốt, tránh những rủi ro về tăng giá,” Tổng Giám đốc Vinatex cho hay.

 

Theo nhận định của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), thực trạng phụ thuộc nguyên phụ liệu không chỉ gây ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến công nghiệp nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung trong dài hạn. Hơn nữa, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ từng bước tự chủ nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước là một trong những vấn đề cốt lõi để phát triển bền vững công nghiệp Việt Nam.

 

Trên cơ sở đó, đại diện Cục Công nghiệp cho rằng phải nâng cao năng lực các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, điều kiện tiên quyết là phải có ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước phát triển. Từ đó, mở ra cơ hội thị trường cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung cấp, tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng.

 

Ngoài ra, Cục Công nghiệp cũng nhắc tới yếu tố tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước, thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài.

 

Trong đó xây dựng các khu công nghiệp hỗ trợ tập trung để tạo cụm liên kết ngành; phát triển các ngành công nghiệp vật liệu nhằm tăng cường tính tự chủ về nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, từ đó nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu./.

 

Nguồn: Đức Duy (Vietnam+)