Sau khi trải qua những tháng đầu năm đầy ảm đạm với sự sụt giảm đơn hàng từ nước ngoài, ngành dệt may Việt Nam đang rục rịch trở lại đường đua quốc tế trong một bối cảnh mới ổn định hơn, vậy chúng ta đã chuẩn bị tâm thế như thế nào khi bắt nhịp lại cuộc chơi.
1. Giá bông quốc tế dần ổn định trước bối cảnh thị trường quay về quỹ đạo ban đầu
Với vai trò là nguyên liệu đầu vào tối quan trọng của ngành dệt may, những biến động của giá bông đóng vai trò không hề nhỏ đến tương lai của ngành công nghiệp lâu năm nói trên.
Giá bông được giao dịch trên Sở ICE đã trải qua năm 2022 với những rung lắc mạnh mẽ. Có thời điểm giá bật tăng lên mức cao kỷ lục với 157,00 cents/pound, cao nhất kể từ mức đỉnh lịch sử vào năm 2011, rồi ngay sau đó lại tụt xuống mốc 70,00 cents/pound, thấp nhất kể từ tháng 11/2020 khi giá đồng USD ở mức cao nhất trong 20 năm sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất liên tục. Cũng trong thời gian này, Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu bông hàng đầu thế giới đang nghiêm ngặt trong việc thực hiện chính sách Zero Covid, khiến nhu cầu về bông trên toàn cầu rơi vào tình trạng thâm hụt nghiêm trọng, đã kéo giá bông lao dốc thảm hại.
Bước sang năm 2023, tình hình dịch bệnh cũng như lạm phát được kiểm soát phần nào. Trung Quốc đã mở cửa giao thương lại với thế giới, trong khi tốc độ tăng lãi suất của Fed cũng giảm dần từ mức 75 điểm cơ bản ở thời điểm năm 2022 xuống còn 25 điểm cơ bản trong lần điều chỉnh mới nhất vào tuần trước. Điều này, thúc đẩy nhu cầu về bông được khôi phục và đảm bảo sự ổn định về giá. Từ đầu năm đến nay, giá bông chủ yếu dao động trong khoảng 76,00 – 90,00 cents/pound.
2. Cung – cầu bông ổn định, tạo điều kiện để ngành dệt may trở lại vị thế vốn có
Cung – cầu là yếu tố quan trọng hàng đầu ảnh hưởng đến diễn biến giá bông, trong khi mặt hàng này lại là nguyên liệu đầu vào trọng yếu của ngành công nghiệp dệt may. Do đó, những diễn biến trong cán cân cung – cầu thời gian tới có vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành công nghiệp nhẹ lâu năm này.
Nhu cầu về bông từ các nước nhập khẩu chính như Trung Quốc và Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục phục hồi trong những tháng tiếp theo của năm 2023. Sau khi gỡ bỏ chính sách Zero Covid, Trung Quốc tập trung hơn vào việc hỗ trợ kinh tế hồi phục, giúp ngành dệt may nước này có cơ hội sôi động trở lại, kéo theo nhu cầu về nhập khẩu bông gia tăng. Tại Việt Nam các chuyên gia trong ngành nhận định, tình hình quốc tế ổn định, cùng với lo ngại về suy thoái kinh tế trên toàn cầu giảm bớt, giúp các đơn hàng dệt may sớm quay trở lại từ quý II/2023.
Sự hồi phục cũng được thể hiện từ phía nguồn cung, sau những đợt cắt giảm mạnh dự đoán sản lượng bông tại Mỹ do ảnh hưởng từ thời tiết khô hạn kéo dài tại vùng Texas hồi giữa năm 2022, những ước tính gần đây dần ổn định hơn. Theo số liệu mới nhất trong báo cáo cung – cầu nông sản tháng 3, sản lượng bông tại Mỹ đã thoát khỏi mức thấp nhất trong 7 năm và luôn duy trì ở mốc trên 14,5 triệu kiện trong những tháng gần đây. Điều này giúp thị trường xua tan những lo ngại về vấn đề nguồn cung rơi vào tình trạng thiếu hụt trước đó, tạo bước đệm đến sự cân bằng trong cán cân cung – cầu.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức hàng hóa Việt Nam nhận định: “Trong thời gian tới, cung – cầu bông trên toàn cầu sẽ duy trì với trạng thái cân bằng, tạo môi trường thuận lợi để giá bông đang giao dịch trên Sở ICE và thị trường hàng thực được ổn định, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành dệt may”.
3. Việt Nam chủ động trở lại cuộc đua tái phục hồi ngành dệt may
Dệt may là ngành công nghiệp mang lại giá trị xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch đạt 44 tỷ USD trong năm 2022 và chiếm giữ vị trí ngành công nghiệp lớn thứ 5 cả nước. Trong giai đoạn 5 năm (2015 – 2020), ngành liên tục tăng trưởng với tốc độ bình quân 17%/năm, cho thấy tiềm năng để phát triển vẫn còn rất lớn và là cơ sở để ngành tiếp tục phát triển trong năm nay.
Tuy vậy, thách thức là điều không thể tránh khỏi và một trong những khó khăn hàng đầu đối với dệt may trong nước chính là việc phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu đầu vào là bông tự nhiên từ nước ngoài. Bất cập hơn chính là việc phụ thuộc lớn vào nguồn cung từ 1 nước, điều này đã để lại bài học lớn cho các doanh nghiệp trong năm 2022 khi nguồn nhập khẩu bông lớn nhất của nước ta là Mỹ rơi vào tình trạng sụt giảm mạnh. Tại thời điểm đó, các doanh nghiệp trong nước đã loay hoay trong việc duy trì nguồn nguyên liệu đầu vào để đảm bảo hoạt động sản xuất, đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về việc chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào.
Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề, cuối năm 2022, chính phủ đã ban hành Quyết định số 1643/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035” với mục tiêu phấn đấu tỷ lệ nội địa hóa ngành giai đoạn 2021 – 2025 đạt 51% – 55% và giai đoạn 2026 – 2030 đạt 56% – 60%.
Ông Phạm Quang Anh cho biết thêm, “Sự quan tâm và thúc đẩy từ phía Nhà nước trong thời điểm này là vô cùng quan trọng và cấp thiết cho sự phát triển mang tính bền vững của ngành công nghiệp dệt may nước nhà. Đồng thời cũng cho thấy sự chủ động và sẵn sàng của Việt Nam trong việc trở lại và làm chủ ngành công nghiệp này.”
Như vậy, sau khi trải qua những thăng trầm trong quá khứ, ngành dệt may Việt Nam đã sẵn sàng và chủ động hồi phục với hỗ trợ kép từ sự bình ổn của thị trường cũng như bước đệm từ sự quan tâm và sát sao từ Chính phủ.
Trịnh Thảo/Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)