1. Bảo trì là gì ? Thực chất của bảo trì trong doanh nghiệp
Bảo trì (Hay Maintenance trong tiếng Anh) theo định nghĩa là các hoạt động kiểm tra định kỳ, bảo dưỡng, điều chỉnh, sửa chữa và thay thế linh kiện để duy trì và giữ cho các trang thiết bị máy móc luôn hoạt động theo đúng năng suất, tốc độ, tải trọng của nhà sản xuất.
2. Các nhóm công việc của bảo trì là gì ?
Một số nhóm công việc của bảo trì có thể kể đến hiện nay như:
- Nhóm công việc duy trì tình trạng tài sản ở một trạng thái nhất định, giúp tài sản có thể thực hiện một số công việc cụ thể trong những trạng thái nhất định. Nhóm công việc này thường bao gồm các hoạt động: Điều chỉnh, đo lường, kiểm tra, thay thế, sửa chữa máy móc, tài sản…
- Nhóm công việc đảm bảo vận hành, đây là nhóm công việc chính của hoạt động bảo trì nhằm đảm bảo các trang thiết bị luôn vận hành liên tục với hiệu suất ổn định trong mọi hoàn cảnh.
- Nhóm công việc khôi phục hoặc giữ lại một chức năng cụ thể của tài sản, giúp các tài sản có thể khôi phục khả năng thực hiện 1 số công việc nhất định. Nhóm công việc này thường bao gồm các hoạt động: thử nghiệm, đo lường, sửa chữa, xây dựng, kiểm tra,…
2. Đối tượng chính của công tác bảo trì là gì ?
Ngày nay khái niệm bảo trì thường gắn liền với máy móc, thiết bị. Do đó khi nhắc đến bảo trì, người ta thường liên tưởng đến đối tượng phục vụ của bảo trì chỉ gói gọn trong máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất của một doanh nghiệp. Điều này đúng nhưng chưa đủ, bởi lẽ bảo trì thực chất là 1 hoạt động mang lại giá trị cho toàn bộ tài sản & cơ sở sản xuất kinh doanh của một doanh nghiệp.
Chúng ta có thể áp dụng công tác bảo trì lên máy móc thiết bị, mặt bằng sản xuất, nhà xưởng, phương tiện vận chuyển, hệ thống điện, hệ thống điều hòa, thậm chí cả các thiết bị văn phòng như máy tính, máy in cho đến các thứ lặt vặt như dụng cụ nấu ăn trong căng tin hay bồn nước trong nhà vệ sinh.
Chỉ cần đó là tài sản và chúng ta cần duy trì nó hoạt động ổn định để khai thác thì ở đó luôn có chỗ cho công tác bảo trì !
Hiểu được điều này, chúng ta sẽ không thấy khó hiểu cho câu hỏi:
3. Vai trò bảo trì là gì ? vì sao bảo trì lại quan trong với doanh nghiệp.
Việc thực hành công tác bảo trì hiệu quả sẽ giúp các doanh nghiệp đạt được những lợi ích như:
Cắt giảm chi phí phát sinh do hỏng hóc
Rất dễ nhận thấy: Khi một tài sản máy móc bị hư hỏng, thì chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra để sửa chữa hay thay thế chúng sẽ lớn hơn rất nhiều so với chi phí mà doanh nghiệp đó phải bỏ ra để thực hiện các công tác bảo trì giữ cho chúng luôn mạnh khỏe. Do đó yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất khiến các doanh nghiệp quyết định đầu tư vào cải tiến công tác bảo trì chính là bài toán về kinh tế. Máy móc hoạt động ổn định sẽ giúp doanh nghiệp cắt giảm một khoảng chi phí đáng kể cho việc đầu tư mới. Đồng thời tránh được các khoản chi phí phát sinh khi máy móc thiết bị hỏng hóc mang lại: phí tăng ca làm việc ngoài giờ của nhân viên, hao tổn nguyên vật liệu, thiệt hại do sản phẩm không đạt yêu cầu, chi phí thuê dịch vụ sửa chữa…
Đúng như triết ký “phòng hư hơn sửa hỏng”, khi được quan tâm đúng mức, bảo trì thực sự là một con gà đẻ trứng vàng giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm ngân sách và tối ưu hóa nguồn lực của tài sản máy móc thiết bị.
Ví Dụ: Theo báo cáo của Hải quân Canada, nhờ duy trì công tác bảo trì tốt nên giảm thiểu được tỷ lệ hư hỏng của các khí tài, tàu chiến lên đến 45%, giúp hải quân nước này tiết kiệm chi phí lên tới 2 triệu USD.
Gia tăng mức độ an toàn trong môi trường làm việc
An toàn lao động luôn là một trong những yêu tố quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp sản xuất. Một môi trường làm việc có an toàn thì người lao động mới có thể yên tâm tập trung để phát huy hết năng lực của mình. Nếu tài sản máy móc thiết bị không hoạt động tốt, chúng sẽ tiềm tàng rất nhiều nguy hiểm cho người lao động. Do đó thực hiện công tác bảo trì tốt cũng chính là một yếu tố quan trọng góp phần loại bỏ các rủi ro mất an toàn mà máy móc thiết bị mang lại, giúp phòng ngừa các tai nạn lao động phát sinh và tạo ra một môi trường làm việc an toàn hơn, hiệu quả hơn.
Theo báo cáo trong 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã xảy ra 3.612 vụ tai nạn lao động, làm 3.673 người bị nạn với số người chết là 418 người. Trong đó số vụ tai nạn lao động phát sinh do thiết bị lao động không đảm bảo an toàn chiếm 8,84% tổng số vụ và 8,42% tổng số người chết. Do môi trường và điều kiện lao động không đảm bảo chiếm đến 9.94% tổng số vụ và 10,53% tổng số người chết. Nguồn: Bộ Lao Động & Thương Binh Xã Hội
Gia tăng hiệu quả máy móc thiết bị
Thông qua các hoạt động bảo trì bảo dưỡng, doanh nghiệp có thể kịp thời phát hiện ra những hạn chế, khiếm khuyết có thể tồn tại trong các tài sản thiết bị của mình. Từ đó có thể đưa ra các cải tiến, điều chỉnh nhằm khắc phục và nâng cao hơn nữa hiệu quả vận hành của máy móc thiết bị. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng trang thiết bị cũng như tay nghề chuyên môn của các kỹ thuật viên và đội ngũ nhân viên vận hành.
Gia tăng hình ảnh thương hiệu cho doanh nghiệp
Khi công tác bảo trì được quan tâm đúng mức thì máy móc thiết bị sẽ vận hành ổn định ở trạng thái tốt nhất. Đây chính là nền tảng để doanh nghiệp có thể sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng tốt nhất, cung cấp cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất với chi phí cạnh tranh nhất (Do cắt giảm được các chi phí phát sinh từ việc máy móc thiết bị hỏng hóc mang lại). Máy móc ít hỏng hóc cũng giúp tránh tình trạng ngừng máy đột xuất, từ đó giúp doanh nghiệp luôn đảm bảo được tiến độ sản xuất và giao hàng đúng hạn cho khách hàng của mình. Đồng thời khi cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị doanh nghiệp luôn ở trạng thái tốt cũng là yếu tố giúp khách hàng tin tưởng hơn khi hợp tác kinh doanh. Tất cả các yếu tố trên chính là cách mà công tác bảo trì hiệu quả có thể ảnh hưởng trực tiếp đến việc tăng độ tin cậy và cải thiện hình ảnh thương hiệu cho doanh nghiệp..
Gia tăng tuổi thọ & thời gian sử dụng của tài sản
Thông thường, máy móc thiết bị và cơ sở hạ tầng đều là những tài sản có giá trị cao nhất trong doanh nghiệp, chi phí bỏ ra để đầu tư cho chúng là không hề rẻ. Do đó, nếu có thể gia tăng thời gian khai thác, kéo dài tuổi thọ của các tài sản này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm 1 khoản ngân sách không hề nhỏ.
VD: Trong lĩnh vực ô tô, chất lượng của công tác bảo dưỡng – sửa chữa ảnh hưởng rất nhiều đến tuổi thọ và quãng đường mà xe có thể chạy sau khi bảo dưỡng – sửa chữa. Như Khi áp suất lốp giảm 20% nếu không kịp thời phát hiện để điều chỉnh thì tuổi thọ của lốp sẽ giảm 25%. Hay như khe hở giữa má phanh và tang trống nếu tăng từ 0,5mm đến 1mm thì quãng đường phanh sẽ tăng 20%.
Gia tăng hiệu quả thiết bị
Khi các công tác bảo trì bảo dưỡng được thực hiện thường xuyên và định kì theo các kế hoạch bảo trì chủ động sẽ giúp cho máy móc thiết bị luôn duy trì được trạng thái vận hành tốt nhất, từ đó giúp giảm thải các hao phí về năng lượng và nhiên liệu phát sinh.
VD: Các thiết bị lò hơi nếu không được bảo dưỡng định kỳ, vệ sinh cáu cặn 06 – 12 tháng/lần thì sẽ hình thành các lớp cáu cặn dày từ 1mm-5mm. Các cặn bẩn này có thể đến từ các tạp chất chưa được lọc, trong nước và các Oxit do quá trình Oxy hóa bề mặt thiết trong môi trường áp suất, nhiệt độ cao, ẩm cao… sinh ra. Lớp cáu cặn này sẽ làm giảm hiệu quả trao đổi nhiệt, tăng, tiêu tốn thêm nhiên liệu, nguyên liệu, năng lượng phục vụ cho quá trình vận hành của thiết bị…..
Hay như xe ô tô, nếu không bảo trì thường xuyên, góc đánh lửa vận hành không đúng tiêu chuẩn (sớm quá hoặc muộn quá) thì tiêu hao nhiên liệu tăng (10 – 15)%, công suất động cơ giảm 10%.
4. Tổng kết
Với những hiểu biết về bảo trì là gì cũng như vai trò quan trọng của của nó mang lại cho mình, ngày càng có nhiều doanh nghiệp trong nước bắt đầu đầu tư nghiêm túc hơn vào lĩnh vực này. Vậy làm sao để việc đầu tư vào công tác bảo trì có thể sinh hiệu quả ? hãy tìm hiểu về giải pháp phần mềm quản lý bảo trì tài sản Vietsoft EcoMaint mà chúng tôi đã và đang cung cấp cho rất nhiều khách hàng là các doanh nghiệp trong nước lẫn FDI.