Dệt may lo mất đơn hàng nếu dịch kéo dài

 

Vươn lên là nhà xuất khẩu thứ nhì thế giới nhưng dệt may Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mất đơn hàng vào tay đối thủ, nếu dịch còn phức tạp trong tháng 8.

Dệt may lo mất đơn hàng nếu dịch kéo dài

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, 7 tháng đầu năm xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vẫn trong đà phục hồi, với mức tăng 14,1%. Nhưng đây là “hiệu ứng” từ mức tăng trưởng khả quan của ngành trong 4-5 tháng đầu năm, khi dịch vẫn đang được kiểm soát ổn định.

 

Từ lúc Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là khi 19 tỉnh, thành phố phía Nam áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, sản xuất ngành dệt may cầm chừng khi vừa phòng dịch vừa sản xuất “chạy” đơn hàng.

 

Các doanh nghiệp dệt may đang đối mặt nỗi lo xuất khẩu sẽ giảm trong các tháng cuối năm, thậm chí “đứt” đơn hàng khi đối tác tìm kiếm thị trường khác. Có đơn hàng tới hết tháng 12 nhưng dịch bệnh khiến nguyên liệu về chậm, giá tăng, chi phí logistics tăng… khiến Công ty cổ phần Tập đoàn Gia Định gặp nhiều khó khăn. Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, nếu dịch bệnh kéo dài, đơn hàng sẽ không thực hiện được, hoặc chậm trễ, khách hàng sẽ cắt đơn hàng.

 

Thực tế Gia Định đang trải qua cũng giống nhiều doanh nghiệp dệt may phía nam khác đang gặp phải. Khác với đợt dịch năm ngoái khi nguồn cung dồi dào, hiện trên 80% doanh nghiệp dệt may giảm năng suất hoặc phải dừng để phòng dịch.

 

“Khả năng nếu dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay, không biết chuyện gì sẽ xảy ra”, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhận định về thách thức ngành dệt may trong bối cảnh Covid-19 hiện nay.

 

Phân tích tình hình sản xuất tháng 8 của ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang nói “là giai đoạn đặc biệt khó khăn”, nhất là với doanh nghiệp ở các tỉnh phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội. Hiện, chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp đã đứt gãy đến 90%.

 

Xuất khẩu của doanh nghiệp dệt may chỉ có thể trở lại bình thường nếu dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn sau tháng 8. Kịch bản lạc quan nhất, xuất khẩu dệt may năm nay chỉ đạt 32-33 tỷ USD, thấp hơn 6-7 tỷ USD so với mục tiêu 39 tỷ USD đưa ra hồi đầu năm.

 

 

Áp lực giao hàng trong khi chuỗi cung ứng đứt gãy, ông Giang nói, là thách thức lớn với doanh nghiệp dệt may lúc này. Bởi nếu không đáp ứng được thời gian giao hàng, khách hàng sẽ yêu cầu huỷ đơn, ảnh hưởng kéo dài sang cả năm 2022.

 

“Đối tác thấy thị trường Việt Nam không ổn định họ sẽ dịch chuyển. Dệt may là thời trang, là mùa vụ, không ai đi mua cái quần, áo khi nó đã lỗi mốt, kể cả có giảm giá”, Chủ tịch Vitas nghi ngại.

 

Sức mua toàn cầu của các nước lớn như Mỹ, EU đang tăng nhanh, 16-17% so với cùng kỳ, thậm chí có những mặt hàng cầu tăng 30%. Nhưng rủi ro lớn là doanh nghiệp không giao hàng kịp.

 

Ở điểm này, Bộ Công Thương cũng đánh giá các doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ rất lớn là khách hàng quốc tế sẽ dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác. “Đến khi dịch được kiểm soát, việc nối lại các mối quan hệ kinh doanh sẽ rất khó khăn và cần phải có quá trình”, Bộ Công Thương nhận xét.

 

Lo lắng nữa được Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang nêu, là TP HCM thiếu hụt lao động khi lượng lớn đã rời thành phố về địa phương tránh dịch. Khả năng họ quay lại sau khi thành phố đẩy lùi được dịch bệnh, ông Giang nói, chỉ đạt 60-65%. “Tình trạng thiếu hụt nguồn lao động rất nghiêm trọng trong thời gian tới”, Chủ tịch Vitas nhận xét.

 

Hiện nhiều doanh nghiệp dệt may tính tới phương án chuyển nguyên vật liệu từ Nam ra Bắc để tránh đứt gãy sản xuất. Nhưng ngay phương án tình thế này, ông Vũ Đức Giang cho rằng, cũng không quá khả quan khi doanh nghiệp chịu thêm chi phí vận tải, thời gian giao hàng cho các nhãn hàng khó đảm bảo.

 

Ông phân tích, thời gian giao hàng trong ngành dệt may đều được quy định trên hợp đồng, vận chuyển hàng hoá trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành “siết” lưu thông để phòng dịch, dẫn đến không đảm bảo về thời gian và giá thành. Mặt khác, hiện các doanh nghiệp dệt may phía Bắc cũng chỉ còn 70-80% lao động làm việc.

 

“Đứt gãy nguồn cung của các doanh nghiệp dệt may phía Nam là thách thức cực kỳ lớn”, Chủ tịch Vitas chia sẻ.

 

Với phương án sản xuất 3 tại chỗ (ăn, ở, ngủ tại chỗ), hay “1 cung đường, 2 địa điểm”, lãnh đạo Vitas nhìn nhận, là giải pháp vẫn còn nhiều lý thuyết, chưa có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng từ cấp có thẩm quyền. Hiện nhiều địa phương vẫn có những nhận thức khác nhau về mô hình này, khiến việc quản lý thiếu đồng bộ, xuyên suốt. Về phía doanh nghiệp, không phải đơn vị nào cũng có khả năng lo liệu chỗ ở tập trung cho toàn bộ người lao động.

 

Chủ tịch Vitas dẫn chứng, một số doanh nghiệp dệt may vừa qua áp dụng mô hình “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất nhưng sau một thời gian thì họ không thể trụ nổi nữa, buộc phải đóng cửa nhà máy. Điển hình là Việt Tiến, họ đã phải dừng sản xuất 19 nhà máy vì không thể tổ chức được “3 tại chỗ”.

 

“Doanh nghiệp dệt may với đông lao động thì mô hình “3 tại chỗ” rất khó đáp ứng, chỉ có thể áp dụng với một số doanh nghiệp sợi, dệt do hoạt động sản xuất chủ yếu là máy móc, lượng công nhân cần để duy trì nhà máy không quá lớn”, ông Giang nói.

 

Bối cảnh này, ông Giang nhấn mạnh, Chính phủ cần đẩy nhanh giải pháp tiêm vaccine cho người lao động các ngành công nghiệp (dệt may, da giày, gỗ, thủy sản). Bởi, các ngành này góp tỷ trọng xuất khẩu rất lớn, tiêm vaccine để người lao động và gia đình người lao động yên tâm.

 

Hiện tỷ lệ lao động dệt may được tiêm vaccine rất thấp, như tại TP HCM mới bắt đầu triển khai tiêm cho công nhân tại nhiều doanh nghiệp trong tuần vừa rồi. Nhưng tỷ lệ tiêm của doanh nghiệp dệt may tại 18 tỉnh, thành phố phía Nam khác rất thấp, trong khi trọng tâm sản xuất của ngành nằm ở các tỉnh miền Tây, Đông Nam Bộ, chiếm 62% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may.

 

“Bối cảnh cấp bách hiện nay, Chính phủ cần đánh giá tình hình thực trạng các ngành công nghiệp để có chính sách phân bổ vaccine phù hợp. Các địa phương cũng cần quan tâm tiêm cho người lao động trong các nhà máy, các khu công nghiệp”, ông Giang nhấn mạnh.

Anh Minh – VNEXPRESS