Cơ Khí Duy Khanh triển khai TPM tăng hiệu quả bảo trì

8 trụ cột và 5 bước triển khai TPM hiệu quả

Công ty Cơ Khí Duy Khanh đã đạt được nhiều thành tựu về bảo trì chỉ sau 3 tháng từ khi Cơ Khí Duy Khanh triển khai TPM – hệ thống quản lý bảo trì toàn diện:  Năng suất công đoạn kẹp máy phay tăng 10 lần, giảm ngừng máy do hỏng hóc từ 23 xuống còn 11 lần trong vòng 1 tháng.

 

1. Quá trình Cơ Khí Duy Khanh triển khai TPM

Từ tháng 10/2019, Cơ Khí Duy Khanh đã tham gia Chương trình Hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng thí điểm TPM của Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) tổ chức. Đây là chương trình với mục tiêu giúp các doanh nghiệp trong nước cải thiện hiệu suất bảo trì, tăng toàn diện năng suất sử dụng của các tài sản thiết bị, cải thiện môi trường làm việc an toản và chuyên nghiệp hơn dựa trên nền tảng xây dựng một chiến lược quản lý bảo trì hiệu quả, áp dụng các biện pháp nhận diện các rủi ro hỏng hóc và giảm thiểu tổn thất khi xảy ra hỏng hóc.

 

Trong 3 tháng triển khai chương trình (từ tháng 10 đến tháng 12/2019), tổng cộng đã có 8 buổi các chuyên gia bảo trì đến tận nơi  tư vấn và hướng dẫn trực tiếp cho nhân viên tại nhà máy của Cơ Khí Duy Khanh thực hiện thí điểm TPM trên 2 thiết bị máy CNC. Quá trình thí điểm bao gồm 3 trong 8 cột trụ TPM bao gồm: bảo trì có kế hoạch PM, bảo trì tự quản AM và cải tiến tập trung FI

 

2. Kết quả đạt được khi triển khai TPM của Cơ Khí Duy Khanh

Với cột trụ bảo trì có kế hoạch PM, các chuyên gia đã cùng nhân viên công ty thực hiện bảo trì toàn diện cho cả 2 thiết bị CNC, từ đó đã giúp giảm số lần hư hỏng của 2 thiết bị này từ lúc bắt đầu là 23 lần (tháng 10/2019) xuống còn 11 lần (tháng 11/2019). Với kết quả khả quan này, Cơ Khí Duy Khanh sẽ tiếp tục tự triển khai PM cho 104 thiết bị khác của công ty trong năm 2020.

 

Đối với cột trụ bảo trì tự quản AM, các chuyên gia đã hướng dẫn nhân viên vận hành thực hiện việc vệ sinh thiết bị sạch sẽ như lúc mới mua. Thông qua quá trình này, các chuyên gia đã giúp nhân viên vận hành hiểu rõ hơn về thiết bị của mình và nhận diện ra những vị trí cần treo thẻ đỏ để tiến hành khắc phục và cải tiến ngay sau đó. Đồng thời các chuyên gia cũng chụp lại các hình ảnh trong quá trình vệ sinh thiết bị để làm tài liệu giúp hướng dẫn nhân viên vận hành thực hiện các bước tự bảo dưỡng  thiết bị cơ bản sau này (bao gồm: vệ sinh, kiểm tra, bôi trơn, siết chặt – CLIT). Sau 2 tháng áp dụng cho thấy các thiết bị thí điểm hoạt động hiệu quả hơn, ít phát sinh lỗi vặt. Dự kiến trong năm 2020, Cơ Khí Duy Tân sẽ tiếp tục nhân rộng thêm mô hình trên 9 thiết bị khác.

 

Cuối cùng, với trụ cột cải tiến tập trung FI, các chuyên gia đã cùng nhân viên công ty tiến hành 2 cải tiến hiệu quả. Thứ nhất là cải tiến bộ kẹp cho máy phay. Cải tiến này sẽ giúp tăng gấp 10 lần hiệu quả thiết bị từ kẹp 1 lên 10 sản phẩm/lần.  Thứ 2 là cải tiến quy trình mài dao để giúp tăng năng suất và giảm đáng kể thời gian của quá trình này.

 

3. Tổng kết

Từ những kết quả đạt được, Tổng Giám Đốc Cơ Khí Duy Khanh, Chủ Tịch Hội Cơ Khí Điện HAMEE  – Ông  Đỗ Phước Tống đã khẳng định: “Thực hiện TPM sẽ giúp các doanh nghiệp tối ưu hiệu suất hoạt động, giảm thiểu đáng kể các sự cố sai sót phát sinh, từ đó giúp các Doanh nghiệp trong nước hợp lý hóa chi phí sản xuất, cải tiến chất lượng sản phẩm và dịch vụ của mình. Từ đó tạo ra sức bật giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.”

Trong thời gian sắp tới, công ty sẽ tiếp tục nhân rộng và duy trì hệ thống TPM với tất cả các tài sản thiết bị của công ty. Ngoài ra còn có các công cụ như 5S, phần mềm quản lý bảo trì thiết bị CMMS giúp đạt hiệu quả cải tiến tốt nhất.