Ngành công nghiệp thời trang không chỉ ảnh hưởng đến môi trường trong quá trình sản xuất tạo ra sản phẩm mà trên thực tế, mỗi năm có tới 39.000 tấn quần áo cũ và quần áo ế đổ về Atacama – bãi thải sa mạc khô cằn nhất ở Chile. Đây là nơi chứa quần áo bỏ đi từ khắp nơi trên thế giới. Núi rác thải quần áo trên sa mạc Atacama ngày càng lớn và ô nhiễm trầm trọng hơn. Nghiêm trọng hơn, các mặt hàng thời trang phức tạp, như giày dép và áo khoác mùa đông, có thể không được tái chế hoặc không thể phân hủy sinh học. Theo Forbes, quần áo làm từ polyester có thể mất tới 200 năm để phân huỷ. Mặt khác, việc tiêu hủy quần áo có thể làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và cũng không thể giải quyết vấn đề này bằng các bãi chôn lấp. Theo một báo cáo của Future of sourcing, ngành công nghiệp thời trang chiếm tổng cộng 8-10% tổng lượng khí thải nhà kính thải vào khí quyển và là một trong những ngành gây ô nhiễm hàng đầu.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ngân hàng thế giới trong một báo cáo gần đây thì ngành Dệt May là một trong những ngành có cơ hội sớm cải thiện được “dấu chân” các-bon và môi trường. Xu hướng ưa chuộng sản phẩm được sản xuất từ sản xuất xanh ngày càng phát triển. Người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ hoặc EU ngày càng đòi hỏi các quy trình sản xuất phải sạch hơn và hàng hoá thân thiện với môi trường hơn. Để đưa ra bằng chứng về thành tích của mình trong quản lý môi trường và tính bền vững, các công ty thường xác minh các hoạt động sản xuất bền vững thông qua các bên thứ ba. Nhiều hãng thời trang đã tạo sự khác biệt cho sản phẩm và củng cố hình ảnh thương hiệu bằng cách áp dụng các thực hành bền vững, chẳng hạn như tiêu chuẩn ISO 9001, ISO 14000, SA 8000… trong chuỗi cung ứng của họ. Việc đạt được các chứng nhận có nghĩa là các công ty đã thiết lập các hoạt động và quy trình làm việc liên quan đến môi trường trong các quy trình sản xuất của họ.
Hãng thời trang H&M, một nhà sản xuất hàng may mặc toàn cầu có 31 nhà cung cấp tại Việt Nam, đã có cam kết phát triển chuỗi cung ứng trung hoà các-bon cho các nhà máy chế tạo và chế biến thuộc sở hữu của họ hoặc qua ký hợp đồng thầu phụ với các nhà cung cấp, và các nhà cung cấp của các nhà cung cấp của họ (ví dụ nhà máy sản xuất vải, chế biến vải, sản xuất sợi) vào năm 2030. Hãng Nike cũng công bố các kế hoạch tương tự, có ảnh hưởng đến 100 nhà cung cấp của Nike tại Việt Nam mức đáng kể.
Như thế nào là chuỗi cung ứng thời trang bền vững?
Theo Ủy ban Thế giới về Môi trường và Phát triển (WCED-World Commission on Environment and Development) của Liên hợp quốc, phát triển bền vững được định nghĩa là: “Sự phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn thương khả năng cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”.
Tổ chức Xã hội Bền vững (SSI) đã xác định rõ ba khía cạnh “Triple Bottom Line” của tính bền vững: (i) phúc lợi của con người đề cập đến kết quả hoạt động xã hội, bao gồm các nhu cầu cơ bản, phát triển cá nhân, xã hội cân bằng; (ii) phúc lợi về môi trường bao gồm môi trường lành mạnh, khí hậu- năng lượng và tài nguyên thiên nhiên; (iii) phúc lợi kinh tế liên quan đến sự chuẩn bị cho tương lai và nền kinh tế. Chuỗi cung ứng thời trang sử dụng nhiều lao động và nhạy cảm với môi trường và xã hội, điều cốt yếu là các hãng thời trang phải xây dựng một chuỗi cung ứng bền vững, bao gồm tất cả các khía cạnh của Triple Bottom Line.
Chuỗi cung ứng thời trang bền vững bao gồm chuẩn bị nguyên liệu sinh thái, sản xuất bền vững, phân phối xanh, bán lẻ xanh và người tiêu dùng có đạo đức. Một chuỗi cung ứng thời trang bền vững hiệu quả giúp các công ty nâng cao hình ảnh thương hiệu và tiếp cận rộng rãi hơn những người tiêu dùng có đạo đức. Do đó, đối với các doanh nghiệp, bền vững là một cách để thúc đẩy trách nhiệm của họ đối với xã hội và môi trường để đạt được lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Đối với nhiều người tiêu dùng, việc mua sắm thời trang bền vững là cách thể hiện thái độ bình đẳng và bền vững của họ. Một sản phẩm thời trang bền vững được tạo ra theo cách thức thân thiện với môi trường và xã hội dọc theo chuỗi cung ứng, bao gồm sản xuất nguyên liệu thô, sản xuất, phân phối và bán lẻ.
Sản xuất vật liệu sinh thái là phần cơ bản trong chuỗi cung ứng thời trang bền vững. Các sản phẩm thời trang bền vững thường được làm bằng vải hữu cơ, được sản xuất bằng ít nước và hóa chất độc hại. Tập đoàn Esquel – là một công ty sản xuất hàng dệt may của Trung Quốc. Đây là một trong những nhà sản xuất áo sơ mi lớn nhất thế giới, sản xuất khoảng 100 triệu chiếc áo sơ mi hàng năm. Esquel cung cấp hàng dệt may cho các thương hiểu nổi tiếng như Hugo Boss, Tommy Hilfiger và Ralph Lauren Corporation. Khi tiến hành khai thác nguồn bông hữu cơ thì năng suất giảm tới 50% so với việc trồng bông thông thường và người nông dân đã được Esquel hỗ trợ bồi thường nhưng yêu cầu kiểm soát liên tục để đảm bảo chất lượng của nguồn nguyên liệu.
Ngoài ra, tái sử dụng và tái chế các vật liệu, chẳng hạn như quần áo cũ, phế liệu sản xuất và chai lọ cũng có thể là vật liệu của thời trang bền vững. Tái chế rất phổ biến trong ngành thời trang. Thương hiệu thời trang Marks & Spencer của Anh đã tung ra một dòng suit đặc biệt, được làm từ vật liệu tái chế. Hơn nữa, để bền vững hơn, nhiều thương hiệu thời trang, chẳng hạn như Nike, Marks & Spencer, và Timberland, tham gia vào việc phát triển sản xuất dệt may sinh học. Ở Hoa Kỳ, các hệ thống nông nghiệp sinh học được áp dụng rộng rãi trong sản xuất bông.
Sản xuất bền vững liên quan đến quyền con người và bảo vệ môi trường. Dickson – Công ty của Mỹ chuyên cung cấp dịch vụ về giám sát môi trường và chứng nhận tuân thủ, cho biết người tiêu dùng ngày càng lo ngại về hậu quả xã hội của việc tiêu dùng các sản phẩm hàng may mặc có liên quan đến vi phạm nhân quyền trong sản xuất. Mới đây ngày 23/12/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành luật cấm hầu như tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Tân Cương trong đó có bông nguyên liệu chính sản xuất hàng may mặc vì cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức vi phạm nhân quyền tại khu vực này.
Tính bền vững cũng được xem xét xuyên suốt cả quả trình từ sản xuất đến phân phối. Việc phân phối các sản phẩm thời trang khá phức tạp và làm phát thải các-bon trong quá trình vận chuyển hàng hóa bởi các nhà máy sản xuất thường đặt ở các địa điểm khác nhau và phần lớn nằm khu vực Châu Á.
Bán lẻ xanh không nằm ngoài mối liên hệ giữa sản phẩm xanh và hoạt động tiếp thị. Điều quan trọng là phải chú ý đến việc phân nhóm trải nghiệm người dùng và suy nghĩ lại về việc tạo ra giá trị. Việc đổi mới sản phẩm thời trang bền vững nên hướng tới các thị trường tiêu dùng có đạo đức. Trong những năm gần đây, người tiêu dùng ngày càng có nhận thức về tính bền vững. Khái niệm bền vững rất quan trọng trong tiếp thị và xây dựng thương hiệu, vì nó có thể củng cố sự quan tâm và lòng trung thành của khách hàng. Nhiều tài liệu hiện có đã chỉ ra rằng người tiêu dùng sẵn sàng mua các sản phẩm thời trang sinh thái nếu tiếp thị xanh thành công. Ngoài ra, trong bán lẻ xanh, các thực hành đạo đức như cung cấp dịch vụ tái chế và sản phẩm có thể tái chế trong các cửa hàng, có thể nâng cao nhận thức của người tiêu dùng thời trang về tính bền vững. Việc chia sẻ thông tin về tính bền vững của sản phẩm là quan trọng trong bán lẻ. Tính bền vững của sản phẩm bao gồm tất cả các khía cạnh của chuỗi cung ứng, chẳng hạn như quy trình sản xuất và giảm thiểu ô nhiễm.
Nói cách khác, người tiêu dùng mong muốn được chia sẻ thông tin minh bạch hơn theo hướng bền vững trong chuỗi cung ứng. Việc phát hành thông tin bền vững của một bộ sưu tập mới trên Internet rất hữu ích cho việc quảng bá các thương hiệu thời trang sinh thái. Việc cung cấp đầy đủ thông tin về vật liệu sinh thái, sản xuất bền vững, phân phối xanh và bán lẻ xanh, giúp các sản phẩm sinh thái được quảng bá tốt hơn đến người tiêu dùng.
Nhằm nâng cao ý thức và buộc các công ty phải chuyển đổi công nghệ trong sản xuất thì nhiều quốc gia phát triển sẽ đánh thuế khí thải các-bon và sẽ áp dụng rộng rãi cho các ngành nghề không ngoại trừ cả cho các sản phẩm may mặc.
Chỉ áp dụng một hay một vài bước trong toàn bộ chuỗi cung ứng là chưa đủ. Vì vốn dĩ các hoạt động trong chuỗi đều có mỗi liên hệ với nhau. Điều cần thiết là phải thực hiện các biện pháp để kết hợp tính bền vững trên tất cả khía cạnh của chuỗi cung ứng và doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp thì có thể tập trung đổi mới và tối ưu hoá các giải pháp công nghệ. Thể hiện với người tiêu dùng bằng cách quảng bá cho họ biết bạn đã và đang sản xuất xanh. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp có thêm những khách hàng trung thành.
Tác giả: Văn phòng Hội đồng quản trị Vinatex