Xuất khẩu dệt may, da giày nhiều tín hiệu tích cực ngay từ đầu năm

Những tháng đầu tiên của năm 2022, xuất khẩu dệt may, da giày của Việt Nam đã có sự khởi đầu thuận lợi khi đơn hàng xuất khẩu dồi dào, đến nhiều thị trường lớn như Mỹ, EU… 

 Xuất khẩu dệt may, da giày nhiều tín hiệu tích cực ngay từ đầu năm

 

1. Đơn hàng dồi dào

Công ty Cổ phần giày Phúc Yên là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu da giày vào thị trường EU, Mỹ đã khởi đầu năm 2022 tương đối thuận lợi với các đơn hàng gia công để xuất sang Mỹ và EU đến tháng 5/2022, số lượng gần 200.000 đôi. Trong khi đó, thông thường những năm trước, sản lượng giày xuất khẩu của Công ty sang thị trường EU chủ yếu tập trung vào các tháng từ tháng 5 đến tháng 12.

 

Ông Trần Quang Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần giày Phúc Yên cho biết, việc siết chặt phòng chống dịch và có đơn hàng mới ngay từ đầu năm là tín hiệu tích cực cho mục tiêu xuất khẩu từ 1 – 1,3 triệu đôi giầy trong năm 2022.

 

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso), hiện nay, nhịp độ sản xuất của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp da giày ở khu vực phía Nam khá tốt. Nhiều doanh nghiệp trong ngành đã có đơn hàng xuất khẩu ít nhất đến hết quý II/2022, là cơ sở tốt cho các doanh nghiệp đẩy nhanh sản xuất, lấy lại tăng trưởng sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

 

Cùng với đó, ngay từ đầu năm, một số thương hiệu lớn như Nike, Adidas đều bày tỏ mong muốn gia tăng sản lượng sản xuất tại Việt Nam. Riêng với Nike, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước gia công, sản xuất da giày lớn nhất cho hãng với hơn 50% sản lượng giày. Việc gia công cho Nike đang chiếm khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu của cả ngành, tạo ra việc làm cho khoảng 300.000 lao động.

 

Còn với dệt may, nhiều doanh nghiệp thậm chí đã nhận đơn đến quý III/2022. Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần May 10 cho biết, khác với mọi năm, thường sau Tết thì ngành dệt may sẽ ít việc, nhưng năm 2022, lượng đặt hàng của May 10 đã tăng 15% so với cùng kỳ của quý I và sau Tết của 2021. Công ty đã có đơn hàng ký kết đến hết quý 2/2022. Thậm chí, các mặt hàng chủ lực như veston và sơ mi sau 15 tháng trống đơn thì nay đã có đơn đặt hàng đến hết quý III/2022. Đây là tín hiệu đáng mừng sau chuỗi ngày dài chịu tác động của dịch COVID-19 trong năm 2020 và 2021.

 

Còn ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên 76 – Z76 (Bộ Quốc phòng) cho biết, doanh nghiệp đã nhận được đơn hàng đến quý III/2022. Hay Công ty May Sài Gòn 3 đã nhận được đơn hàng đến hết quý 2, tăng hơn 20% so với cùng kỳ các năm trước.

 

2. Giữ vững ngành xuất khẩu tỷ USD

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 1/2022, ngành da giày, túi xách đã xuất khẩu 1,937 tỷ USD mặt hàng giày, dép và 390,3 triệu USD mặt hàng túi xách, ô dù.

 

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Lefaso cho biết, dù dịch bệnh vẫn còn phức tạp, thị trường chưa thể phục hồi như trước dịch song cơ hội cho doanh nghiệp da giày Việt trong năm 2022 là vẫn có. Lefaso dự kiến cả năm 2022, xuất khẩu toàn ngành sẽ đạt khoảng 23 – 25 tỷ USD, tăng khoảng 10 – 15% so với năm 2021.

 

Mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực nhưng không ít doanh nghiệp da giày âu lo lắng về chi phí nguyên liệu đầu vào, logistics tăng quá cao, tạo rào cản lớn. Điều này có thể khiến nhà nhập khẩu dịch chuyển đơn hàng sản xuất về gần thị trường tiêu thụ nhằm giảm chi phí. Một khía cạnh khác được đại diện Lefaso nhắc tới là việc tận dụng được nhu cầu tăng đơn hàng của các thương hiệu lớn cũng được nhìn nhận không hề đơn giản bởi tiêu chuẩn đòi hỏi rất cao.

 

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp da giày trong nước sớm phục hồi, tận dụng tốt các cơ hội thị trường, bà Phan Thị Thanh Xuân đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành sớm đưa vào thực hiện gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế có quy mô 350.000 tỷ đồng, cải thiện các thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ dễ dàng hơn; nghiên cứu ban hành chính sách mới, tập trung vào chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng được các Hiệp định thương mại tự do để gia tăng xuất khẩu. Đồng thời, nâng cao hệ thống cơ sở hạ tầng, logistics; cần có chiến lược phát triển tốt hơn về đầu tư nguyên phụ liệu, thu hút tín dụng để phát triển cụm công nghiệp, khu công nghiệp; đầu tư phát triển chiều sâu, nghiên cứu phát triển thiết kế mẫu mã và nguyên liệu mới…

Còn ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VITAS cho biết, nếu tình hình dịch bệnh được cơ bản kiểm soát trong quý I năm 2022, kịch bản tích cực nhất kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 41,5 – 42,5 tỷ USD; Kịch bản trung bình đạt 40 – 41 tỷ USD, nếu tình hình dịch bệnh còn phức tạp đến giữa năm 2022; Kịch bản kém tích cực nhất là tình hình dịch bệnh còn phức tạp kéo dài đến cuối năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của ngành dự kiến chỉ đạt 38 – 39 tỷ USD.

 

Ông Trương Văn Cẩm kiến nghị, Nhà nước tiếp tục triển khai chiến lược vaccine là giải pháp căn cơ để các doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong điều kiện “bình thường mới”. Đồng thời, mở rộng chính sách tài khóa và tiền tệ, sửa đổi quy định còn bất cập giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.

 

“Cùng với đó, chúng tôi mong muốn Chính phủ sớm phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành dệt may & Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035” để ngành có thể tự túc nguyên phụ liệu, đáp ứng quy tắc xuất xứ của các FTA, ứng dụng công nghệ 4.0 để hiện đại hóa sản xuất, chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu”, ông Trương Văn Cẩm đề xuất.

 

Bài, ảnh: Thu Trang / Báo Tin tức