Xu hướng ngành dệt may 2022: bất thường chưa từng có

Đầu năm hừng hực khí thế, giữa năm đóng dây chuyền, cho công nhân nghỉ việc – Đó là đặc điểm rất đặc biệt của ngành dệt may trong năm 2022.

Xu hướng ngành dệt may 2022: bất thường chưa từng có

Tại buổi họp báo ngày 22/12 của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã chứng khoán VGT), ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT tiết lộ, có những đơn vị dệt may đã bay mất 80% đơn hàng trong quý 3 và quý 4 khi đối tác tại châu Âu và Mỹ ngừng mua.

 

1.     Sự hưng phấn bất thường của ngành dệt may trong 6 tháng đầu năm

Theo Báo cáo của Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt khoảng 22,3 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất siêu đạt 8,86 tỷ USD, tăng 32% so với 6 tháng 2021.

 

“Thực tế, thị trường dệt may là một thị trường rất ổn định qua các năm, chưa từng có mức tăng trưởng lên tới 30%” – Ông Lê Tiến Trường nói.

 

Lý giải cho những con số khả quan vượt mức kỳ vọng này, lãnh đạo Vinatex cho biết, sau quãng thời gian gần 2 năm giãn cách xã hội, không ra ngoài, không mua sắm, người dân tại nhiều quốc gia xuất hiện tâm lý mua nhiều hơn nhu cầu tiêu dùng thông thường. Cùng với việc được Chính phủ trợ cấp để hỗ trợ tiêu dùng, hiện tượng “quá mua” ở các OECD đã xảy ra.

 

Trong khi đó, phía các nhà phân phối bị “ám ảnh” bởi tình trạng giao hàng rất lâu do logistics bị gián đoạn trong Covid. Họ nảy sinh tâm lý phòng ngừa nên đặt hàng cao hơn bình thường, nhất là khi cả thế giới đang có cảm giác kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.

 

Đến thời điểm 30/6, rất nhiều nhãn hiệu thời trang và các nhà cung cấp lớn trên thế giới có mức tồn kho cao hơn cùng kỳ năm trước tới 50-60%.

 

Tuy nhiên, trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2022, tình hình xuất nhập khẩu ngành dệt may chững lại. Theo VITAS, nguyên nhân là do ngành dệt may chịu ảnh hưởng trực tiếp từ lạm phát, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, chính sách “Zero COVID” của Trung Quốc khi Việt Nam đang nhập khẩu trên 40% nguyên phụ liệu từ thị trường này cùng những yêu cầu khắt khe từ phía các quốc gia nhập khẩu về cam kết phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu… Dệt may thuộc top 5 nhóm hàng tiêu dùng bị cắt giảm khi lạm phát cao.

 

Vinatex cho biết, từ tháng 8, thị trường có dấu hiệu xấu và từ tháng 9, thị trường dệt may đổi chiều đi xuống. Trong những tháng đầu quý 4, thị trường sợi gần như không có thanh khoản, thị trường may đơn hàng giảm mạnh, thông tin báo lỗ từ các đơn vị liên tục được đưa về, đặc biệt là các đơn vị sợi.

 

Dù ngay từ những tháng đầu năm, Vinatex đã đưa ra các dự báo sớm về những khó khăn sẽ tới trong nửa cuối của năm, nhưng trước những tình huống khó lường xảy ra, cùng với sự đảo chiều nhanh chóng của thị trường, tất cả các doanh nghiệp thành viên của Vinatex vẫn bị bất ngờ do thị trường lao dốc theo chiều thẳng đứng.

 

Sự khó khăn của thị trường nửa cuối năm đã “kéo tụt” mức tăng trưởng cả năm của ngành. Ước tính kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam năm 2022 đạt 42 tỷ USD, tăng 3,8% so với năm 2021.

“Tình hình đã diễn biến theo kịch bản xấu nhất mà chúng tôi dự đoán” – Ông Vương Đức Anh, Chánh văn phòng của Vinatex nói – “Cho đến tháng 8, tình hình xuất khẩu đi Mỹ vẫn tăng trước khi thị trường xoay chiều đột ngột. Kim ngạch xuất khẩu tháng 11 giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái, trái ngược với tình hình các năm trước khi quý 4 thường là quý xuất khẩu lớn nhất năm”.

 

Theo ông Đức Anh, trên mô hình hồi quy từ dữ liệu từ năm 2008 đến nay cùng dự báo của các tổ chức uy tín, Vinatex dự báo tổng cầu dệt may toàn cầu năm 2022 giảm 5% so với năm trước, quy mô ngành dệt may năm 2023 khoảng 680- 710 tỷ USD, thấp hơn cả năm 2020 khi xảy ra đại dịch Covid.

 

2.     Để là người quay lại thị trường đầu tiên

Theo kết quả công bố tại buổi họp báo, ước tính năm 2022, Vinatex đạt mức doanh thu hợp nhất 19.535 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ, đạt 108% kế hoạch; lợi nhuận hợp nhất ước đạt 1.090 tỷ đồng, vượt 14,6% kế hoạch.

 

Báo cáo tài chính quý 3/2022 công bố trước đó cho biết, trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Vinatex đạt 1.187 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.074 tỷ đồng. Như vậy, con số lợi nhuận quý 4 của Vinatex khá “thảm”.

 

Do triển vọng thị trường chưa có xu hướng đi lên, ông Lê Tiến Trường nhận định ít nhất quý đầu năm 2023 vẫn chưa khả quan. Trong bối cảnh đó, Vinatex chọn chiến lược “hy sinh lợi ích ngắn hạn” để tạo thế ổn định cao hơn trong dài hạn. Tập đoàn này và các thành viên tìm cách giữ vị trí của mình trong chuỗi sản xuất bằng cách nhận làm cả một số đơn hàng không hiệu quả.

 

“Nếu không nhận, người ta thuê đơn vị khác thì sau này muốn hợp tác cũng không dễ” – Ông Lê Tiến Trường nói.

 

Một đặc điểm của ngành dệt may là nếu để mất lao động lành nghề sẽ không dễ tuyển lại. Do đó, Vinatex cố gắng trả lương, thưởng cạnh tranh so với thị trường để giữ lao động lành nghề.

 

Theo ông Trường, mặc dù nhu cầu dệt may trên thế giới giảm nhưng mức giảm không đều. Có hiện tượng “đơn vị đã thiếu thì thiếu kiệt quệ, đơn vị có đơn hàng thì vẫn kín cả năm”. Do đó, lãnh đạo của Vinatex nhấn mạnh: “Nhu cầu có thể quay lại nhanh hoặc chậm. Nhưng đã quay lại thì phải làm sao để mình có thể là người quay lại đầu tiên. Làm sao để sóng phục hồi đến với mình trước tiên”.

 

Với lợi thế là tập đoàn có nhiều doanh nghiệp thành viên hoạt động trong chuỗi sản xuất, Vinatex đề ra giải pháp ứng phó cụ thể để thực hiện mục tiêu này: Khi cầu còn thấp thì tận dụng triệt để tiêu dùng nội bộ, kết nối thành chuỗi; Liên thông về nguồn vốn lưu động, giảm tải tồn kho trên hệ thống của nhau; Tạo ra dư địa cạnh tranh với giá tốt hơn và giữ việc làm, giữ lao động.

Ngô My   –   Nhịp sống thị trường