Tập trung giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp dệt may chuyển đổi số

Muốn tồn tại và phát triển bền vững trên thị trường, ngành dệt may cần chuyển hướng, thay đổi chiến lược kinh doanh và đổi mới công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số.

Ngày 28/7, trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may – thiết bị và nguyên phụ liệu 2022 đã diễn ra hội thảo “Giải pháp chuyển đổi số cho thách thức về nguồn nhân lực ngành dệt may”.

 

Tại sự kiện, các diễn giả đã nêu ra thực trạng và bài toán chuyển đổi số mảng nhân sự ngành dệt may Việt Nam. Đồng thời, có những chia sẻ hữu ích về giải pháp chuyển đổi số mảng nhân sự cùng phương pháp triển khai chuyển đổi số cụ thể cho doanh nghiệp dệt may.

 

Dựa trên kết quả khảo sát từ hơn 100 doanh nghiệp trong Báo cáo “Thực trạng và nhu cầu chuyển đổi số ngành dệt may” (do VITAS thực hiện), có tới 50% doanh nghiệp trong ngành vẫn còn sử dụng Excel trong việc quản trị nguồn nhân lực thay vì áp dụng các phần mềm, ứng dụng chuyển đổi số. Bên cạnh đó, 85% doanh nghiệp chưa biết bắt đầu chuyển đổi số từ đâu và gặp khó khăn trong việc lựa chọn đơn vị triển khai.

 

Cũng trong buổi chia sẻ, diễn giả đã chỉ ra 04 thách thức lớn nhất trong quản trị nguồn nhân lực mà các doanh nghiệp dệt may thường mắc phải. Một là, giảm tối đa nguồn lực và thời gian cho việc tính công, lương. Hai là, nâng cao hiệu suất làm việc của nhân sự. Ba là, làm thế nào để hệ thống báo cáo nhanh chóng, minh bạch giúp lãnh đạo đưa ra quyết định quản trị kịp thời? Cuối cùng là, bài toán nâng cao trải nghiệm nhân sự.

 

Đi từ những khó khăn mà nhiều doanh nghiệp dệt may đang phải đối mặt, và đưa ra các giải pháp chuyển đổi số trong quản trị nguồn nhân lực. Giải pháp chuyển đổi số được coi là bệ phóng quan trọng trong hoạt động quản trị nhân sự cho doanh nghiệp, giúp quản lý công, lương minh bạch, chính xác; quản trị con người và phát triển đội ngũ; gia tăng trải nghiệm từ cấp quản lý tới nhân viên;…

 

Cộng đồng doanh nghiệp Dệt may đồng tình cho rằng chuyển đổi số là một quá trình tất yếu, là “kim chỉ nam” và là công cụ vô cùng cần thiết cho ngành sản xuất nói chung và ngành dệt may nói riêng. Muốn tồn tại và phát triển bền vững trên thị trường thì nhất thiết phải chuyển hướng, thay đổi chiến lược kinh doanh và đổi mới công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số.

Nguồn: vtv.vn