Người Quản lý bảo trì là ai ? Vai trò quản lý bảo trì với doanh nghiệp

Vị trí quản lý bảo trì là vị trí công việc của người lập kế hoạch, quản lý và giám sát việc thực hiện các công tác bảo trì trong doanh nghiệp. Đảm bảo hệ thống bảo trì tài sản luôn vận hành hiệu quả, phục vụ cho công tác sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Vai trò quản lý bảo trì là gì ?
Vì sao cần có vị trí quản lý bảo trì trong doanh nghiệp ?

Người Quản lý bảo trì là ai ? Vai trò quản lý bảo trì với doanh nghiệp

 

1. Quản lý bảo trì là gì ?

Bất kỳ một tổ chức hay tập thể nào cho dù là quy mô nhỏ như một team, một group đều cần có 1 người lãnh đạo để đảm bảo các hoạt động của tất cả thành viên đều luôn nhất quán và hướng tới 1 mục tiêu chung. Bộ phận bảo trì trong doanh nghiệp cũng tương tự vậy, họ cần có người quản lý bảo trì để lãnh đạo bộ phận thực hiện các công tác bảo trì. Vị trí quản lý này có thể là tổ trưởng bảo trì, trưởng phòng bảo trì, trưởng bộ phận bảo trì, giám đốc bảo trì… tùy theo quy mô của bộ phận bảo trì, tổ chức phòng ban của doanh nghiệp.

 

Nhưng nhìn chung, quản lý bảo trì luôn là người sẽ chịu trách nhiệm quản lý và phân công công việc cho các kỹ thuật viên bảo trì khác, điều hành việc vận hành của hệ thống bảo trì trong doanh nghiệp. Mặc dù vẫn là một thành viên của bộ phận bảo trì, nhưng chức danh này cũng tương tự như một nhà quản lý cấp trung, chiếm vai trò quản lý nhiều hơn là các công việc chuyên môn bảo trì.

 

2. Vai trò của Quản lý bảo trì

Nhà quản lý bảo trì hoạt động như một đầu mối liên kết giữa ban lãnh đạo, các phòng ban khác với bộ phận bảo trì. Với vai trò là kênh truyền tải chính cho các luồng thông tin về bảo trì trong doanh nghiệp.

 

Vai trò của nhà quản lý bảo trì sẽ được thể hiện qua các khía cạnh:

  • Về kinh tế: Giảm chi phí vận hành, giảm chi phí sữa chữa bảo trì, chi phí phát sinh do ngừng máy cho doanh nghiệp thông qua việc duy trì các chiến lược bảo trì phù hợp.
  • Về kỹ thuật: Đảm bảo các tài sản thiết bị của doanh nghiệp luôn vận hành hiệu quả, tăng khả năng sẵn sàng và tuổi thọ vận hành của thiết bị.
  • Về con người: Đảm bảo  năng lực chuyên môn, điều kiện làm việc và mức độ an toàn lao động cho nhân viên kỹ thuật bảo trì.
  • Về công việc: Đảm bảo hiệu quả công tác bảo trì, xác định và phân chia công việc cụ thể cho các nhân viên kỹ thuật bảo trì thực hiện .

 

3. Các công việc Quản lý bảo trì

a. Công tác quản lý bảo trì tài sản

  • Phân công nhân viên kỹ thuật thực hiện kiểm tra tình trạng tài sản thiết bị theo định kỳ để phát hiện & ghi nhận những trường hợp cần sửa chữa bảo trì.
  • Tiếp nhận yêu cầu bảo trì sửa chữa từ các bộ phận khác để phân công công việc cho các kỹ thuật viên bảo trì thực hiện
  • Dựa theo tình trạng máy móc thiết bị và khuyến nghị của NSX để lập kế hoạch bảo trì định kỳ cho từng máy móc, thiết bị trong nhà máy và phân công các kỹ thuật viên bảo trì thực hiện
  • Tiếp nhận kế hoạch công việc hàng tháng/ tuần/ ngày của bộ phận và triển khai thực hiện
  • Đưa ra các quyết định xử lý kịp thời và đúng đắn cho các sự cố hỏng hóc phát sinh.
  • Giám sát chặt chẽ để đảm bảo các công tác bảo trì, kiểm tra, sửa chữa luôn diễn ra nhanh chóng và hiệu quả. Đảm bảo khôi phục vận hành máy móc thiết bị nhanh chóng, không để tình trạng ngừng máy do hỏng hóc kéo dài.
  • Trực tiếp tham gia vào công tác bảo trì và khắc phục các sự cố nghiêm trọng khi cần đến
  • Thiết lập, quản lý hồ sơ, tài liệu kỹ thuật của tất cả các tài sản máy móc, thiết bị của doanh nghiệp.
  • Tổ chức việc thực hiện các chương trình bảo trì của doanh nghiệp
  • Tham gia các chương trình cải tiến năng suất & chất lượng
  • Nghiên cứu, đưa ra các giải pháp xử lý sự cố, các cải tiến nâng cao tuổi thọ và hiệu suất vận hành của tài sản, đảm bảo điều kiện làm việc, an toàn lao động cho nhân viên…
  • Giúp phát triển các quy trình bảo trì và các chương trình bảo trì chủ động như bảo trì phòng ngừa.
  • Tham gia vào các dự án bảo trì và đại trùng tu lớn của doanh nghiệp
  •  

b. Công tác quản lý nhân sự bảo trì

  • Quản lý, phân công công việc, giám sát và đánh giá việc thực hiện các công tác sửa chữa, bảo dưỡng máy móc thiết bị của nhân viên. Đảm bảo việc thực hiện luôn đúng tiến độ và các tiêu chuẩn kỹ thuật đặt ra.
  • Tổ chức và chủ trì các cuộc họp giao ban định kỳ của bộ phận – triển khai công việc, lịch làm việc, bàn giao ca cho từng đội nhóm/ nhân viên liên quan
  • Đề xuất nhân sự cần thiết cho bộ phận bảo trì
  • Phối hợp bộ phận nhân sự để tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới cho bộ phận
  • Đề xuất đào tạo chuyên môn, Tổ chức đào tạo nội bộ, kèm cặp nhân viên cũ và mới các kỹ năng cần thiết cho công việc như: bảo trì toàn diện TPM, bảo trì tự quản, an toàn lao động OSH, phòng cháy chữa cháy, 5S, ISO-HACCP, quản lý vật tư phụ tùng và các yêu cầu đặc thù theo nội quy của nhà máy
  • Tham gia cố vấn, xây dựng chương trình, soạn thảo tài liệu đào tạo nội bộ. Trực tiếp đào tạo nâng cao chuyên môn cho nhân viên bảo trì
  • Đánh giá hiệu quả công việc của từng nhóm, từng nhân viên bảo trì. Từ đó đề xuất khen thưởng, kỷ luật nhân viên.
  • Tiếp nhận, xem xét và xử lý các sai phạm, mâu thuẫn của các thành viên trong tổ
  • Xây dựng môi trường làm việc hòa đồng, thân thiện trong bộ phận – quan tâm đến nguyện vọng của nhân viên không chỉ trong công việc mà còn trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày

c. Công tác Quản lý tài sản vật tư, dụng cụ

  • Kiểm tra và đánh giá tình trạng tài sản máy móc thiết bị theo định kì. Từ đó lên danh sách và dự trù ngân sách cần có để mua mới các máy móc thiết bị, vật tư phụ tùng phục vụ công tác bảo trì– trình cấp trên phê duyệt.
  • Phối hợp phòng mua hàng để đặt mua và nhập hàng các máy móc thiết bị, dụng cụ, vật tư dự phòng theo danh sách được phê duyệt, đảm bảo đúng chủng loại, số lượng và chất lượng.
  • Đảm bảo việc kiểm định tài sản máy móc thiết bị đúng thời điểm theo quy định.
  • Định kỳ phân công nhân viên kiểm kê, kiểm tra số lượng, chất lượng máy móc thiết bị, dụng cụ, vật tư – ghi chép đầy đủ và chính xác – lưu hồ sơ bảo trì – giải trình với cấp trên khi được yêu cầu
  • Phối hợp, giữ liê hệ chặt chẽ với các nhà cung cấp vật tư tài sản, nhà cung cấp dịch vụ bảo trì và nhà thầu để đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp.

d.Các công tác khác

  • Thông báo, cập nhật các chính sách, quy định mới cho các nhân viên trong bộ phận bảo trì.
  • Thực hiện báo cáo công tác bảo trì định kỳ cho ban lãnh đạo
  • Theo dõi và báo cáo ban lãnh đạo những sự cố xảy ra trong quá trình bảo trì thiết bị
  • Quản lý hồ sơ máy, nhật ký bảo trì
  • Kết hợp với bộ phận sản xuất và các bộ phận liên quan khắc phục sự cố nhanh chóng và kịp thời, đảm bảo thời gian sản xuất chung cho toàn nhà máy
  • Kết hợp bộ phận CNTT triển khai và duy trì vận hành hệ thống quản lý bảo trì tài sản CMMS
  • Thực hiện các công việc khác khi được cấp trên yêu cầu

4. Mức lương trung bình của nhà quản lý bảo trì

Từ các thông tin trên, có thể thấy là những người quản lý và giám sát bảo trì làm khá nhiều việc. Vì vậy,  Mức lương chính xác cho vị trí này sẽ phụ thuộc vào loại công việc giám sát bảo trì, quy mô của tổ chức và ở một mức độ
nào đó, vào số năm kinh nghiệm trong các vai trò này hoặc các vai trò tương tự.


Ở Việt Nam thông thường mức lương của vị trí này thường giao động từ 15 – 20 triệu VND/tháng. Riêng các vị trí quản lý bảo trì cao cấp tại các doanh nghiệp lớn mức lương có thể lên đến 25 – 50 triệu VND/tháng.

 

Dưới đây là một số số liệu về mức lương của người quản lý
bảo trì ở các doanh nghiệp nước ngoài được thu thập từ các nền tảng tuyển dụng nổi tiếng toàn cầu:

  • Theo Salary.com , mức lương trung bình hàng năm cho một giám sát viên bảo trì là khoảng 80 nghìn đô la.
  • Totaljobs đưa ra mức lương trung bình của quản lý bảo trì hàng năm ở Vương quốc Anh là 38,7 nghìn bảng Anh (53,7 nghìn đô la).
  • Glassdoor đặt mức lương cơ bản trung bình là 60,4 nghìn đô la / năm.
  • Indeed thì định giá cho vị trí quản lý bảo trì với mức lương trung bình là 53,6 nghìn đô la hàng năm.