Xanh hóa – số hóa: “Nút thắt” đơn hàng của dệt may

Đẩy nhanh tốc độ “xanh hóa – số hóa” đang trở thành mục tiêu của ngành dệt may để tìm kiếm đơn hàng trong bối cảnh hiện nay.

 

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, xuất khẩu dệt may trong 5 tháng đầu năm đạt 12,3 tỷ USD, giảm 17%. Trong khi tồn kho toàn cầu của dệt may vẫn rất cao, các yếu tố cạnh tranh về giá thành sản phẩm đang được đặt lên bàn cân so sánh. Vì tổng cầu giảm, đơn hàng ít nên trên quy mô toàn cầu, đơn hàng sẽ dịch chuyển về những nơi có sức cạnh tranh tốt hơn Việt Nam về chi phí sản xuất.

 

Ví dụ rõ ràng nhất là câu chuyện sản xuất dệt may tại Bangladesh. Chi phí sản xuất tại nước này đang được coi là có khả năng cạnh tranh rất tốt so với chi phí của nước ta. Ngoài chi phí tiền lương công nhân thấp hơn Việt Nam nhiều lần, nước này cũng có số nhà máy đạt chứng nhận LEED (về thiết kế năng lượng và môi trường) cao nhất thế giới. Vì vậy, tối ưu quy trình sản xuất để kéo giảm chi phí đang trở thành hướng đi tất yếu của dệt may Việt Nam.

 

Tại nhà máy của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Thắng Jean, nếu trước kia, cần tới 9 bước để có 1 mẫu sản phẩm quần jeans, thì nay rút xuống còn 3 bước. Những bước trong thiết kế lên mẫu, nhận phản hồi từ khách đều được số hóa. Giá thành sản phẩm vì thế sẽ trở nên cạnh tranh hơn.

 

“Bangladesh đang chuyển toàn bộ sang công nghệ cao và giá thành hiện nay cạnh tranh rất tốt. Nếu chúng ta may theo công nghệ truyền thống thì năng suất thấp, chất lượng không ổn định, tốc đọ về sản xuất không đáp ứng”, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị – Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Thắng Jean, cho biết.

 

Với yêu cầu xanh hóa, những quy định mới từ EU và Mỹ đang đặt ra ngày càng nhiều thách thức. Gần 100 thương hiệu thời trang hàng đầu đã cam kết công khai chỉ cung cấp nguồn nguyên liệu bền vững trong vài năm tới. Điều này đang tạo sức ép lớn với doanh nghiệp Việt Nam. Ví dụ như các quy định của Mỹ, hay châu Âu về tuổi thọ và tỷ lệ tái chế của hàng dệt may đều đòi hỏi cao hơn so với chuỗi cung ứng bông, sợi.

 

“Mình đã đi hướng đó từ 2 – 3 năm trước, nhưng mình chưa đạt được 100%”, bà Lê Nguyễn Trang Nhã- Tổng Giám đốc Công ty TNHH Viking Việt Nam, cho hay.

 

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, sức cạnh tranh của sản phẩm dệt may Việt Nam sẽ phụ thuộc lớn vào khả năng xanh hóa và số hóa sản xuất vì chi phí lương công nhân sẽ không giảm.

 

“90 – 95% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chỉ có 5% là doanh nghiệp lớn. Doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó khăn trong việc bỏ kinh phí ra để đảm bảo phát triển bền vững”, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhận định.

 

Nếu vài năm trước, xanh hóa hay số hóa được nhiều doanh nghiệp coi là đánh đổi chi phí, hiện nay các yếu tố này đang là cơ hội duy trì sản xuất, bán hàng ra quốc tế. Tuy vậy, để đẩy nhanh quá trình này, cần sự nỗ lực từ 2 phía: sự chủ động từ doanh nghiệp, sự hỗ trợ từ nhà nước về mặt chính sách và khả năng tiếp cận tín dụng ưu đãi.

 

 Trên đây là thông tin Vietsoft tổng hợp được về chủ đề số hóa doanh nghiệp. Hy vọng bài viết đã giúp quý doanh nghiệp dệt may có được những hiểu biết quan trọng và định hướng cho hành trình chuyển đổi số thành công trong tương lai! 

Liên hệ Vietsoft ngay hôm nay để được tư vấn cụ thể và triển khai các giải pháp chuyển đổi số phù hợp cho doanh nghiệp dệt may của bạn!

Nguồn: VTV