6 kinh nghiệm triển khai TPM thành công của Công ty Cường Vinh

6 Kinh nghiệm triển khai TPM thành công của Công ty TNHH SX-TM-DV Cường Vinh. Công ty Cường Vinh là một doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại động cơ quạt điện và động cơ điện thành lập từ năm 1995 với nhiều khách hàng là các doanh nghiệp lớn trong nước như: Lifan, Senko, Hoa Phượng, Yanfan, Tico, Bifan, Mỹ Phong, Phong Lan, 9199… và xuất khẩu hơn 10 quốc gia trên thế giới. Công ty đã triển khai TPM thành công cho một dây chuyền thí điểm từ tháng 08/2018 đến tháng 06/2020. Sau đó nhân rộng cho toàn công ty từ tháng 12/2019 và mở rộng cho 1 công ty vệ tinh vào tháng 01/2020.

6 kinh nghiệm triển khai TPM thành công của Công ty Cường Vinh

Với thời gian thí điểm kéo dài (trong vòng 11 tháng), được sự tư vấn và hướng dẫn trực tiếp từ các chuyên gia tư vấn TPM, cùng những điều kiện thuận lợi từ ban lãnh đạo, công ty Cương Vinh đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ: OEE tăng từ 48% lên 69%, tiết kiệm chi phí sản xuất nửa năm lên đến 286,5 triệu đồng, tăng sản lượng sản phẩm hằng tháng thêm 8400 sản phẩm…


Dưới đây là một số chia sẻ được rút ra từ kinh nghiệm triển khai TPM thành công của công ty Cường Vinh, với những chia sẻ này hy vọng sẽ giúp cho những doanh nghiệp đang tìm hiểu và triển khai thí điểm TPM có được những kinh nghiệm quý giá để triển khai TPM thành công và hiệu quả nhất:


1. Về phạm vi áp dụng thí điểm TPM phù hợp nhất: Các khu vực triển khai TPM có hiệu quả tiềm năng nhất đối với doanh nghiệp chính là những công đoạn có dây chuyền/thiết bị hoạt động liên tục trong ca sản xuất, dễ xác định thời gian chu kỳ cycle time và dễ thu thập các thông tin vận hành.


2. Về nền tảng để áp dụng TPM hiệu quả nhất: không chỉ tại Cường Vinh, mà với nhiều doanh nghiệp triển khai TPM khác, Việc áp dụng công cụ 5S trước khi triển khai TPM sẽ giúp cho quá trình triển khai TPM diễn ra hiệu quả và nhanh chóng hơn. Do 5S chính là nền tảng của năng suất và chất lượng. Nếu không có hoạt động 5S thì không thể bàn đến việc quản lý và cải tiến. Đồng thời, từ những lợi ích sau khi áp dụng 5S mang lại đã tạo ra động lực khích lệ lớn cho ban triển khai TPM cũng như toàn thể lãnh đạo và nhân viên của doanh nghiệp tin tưởng vào giá trị thực tiễn của việc triển khai TPM.


3. Về điều kiện để thực hiện TPM hiệu quả: Phải có được sự cam kết ủng hộ và tạo điều kiện tốt nhất của ban lãnh đạo công ty. Điều đó thể hiện ở việc trong ban triển khai dự án TPM cần có sự tham gia của ban lãnh đạo ở những vị trí chủ chốt. Đây là yêu tố tiên quyết và cơ bản nhất để việc triển khai TPM diễn ra hiệu quả. Bởi lẽ ban lãnh đạo tham gia và giữ vị trí chủ chốt sẽ giúp gắn kết và thúc đẩy mọi cá nhân trong công ty cùng hướng tới mục tiêu thực hiện TPM. Đồng thời cũng đảm bảo việc triển khai luôn được giám sát chặt chẽ theo mục tiêu mà ban lãnh đạo đề ra.  Ví dụ, tại công ty Cường Vinh, các vị trí Trưởng và Phó ban triển khai TPM cũng lần lượt chính là Phó tổng giám đốc và Quản đốc xưởng thí điểm TPM.


4. Về thành phần ban triển khai TPM: ngoài ban lãnh đạo giữ vị trí chủ chốt, thành viên tham gia triển khai TPM phải bao gồm toàn thể các bộ phận có liên quan đến hoạt động TPM: bao gồm bộ phận bảo trì, bộ phận sản xuất, bộ phận QC, bộ phận kế toán, hành chính, bộ phận mua hàng và bộ phận kho…


5. Về giải pháp hành động giúp duy trì hoạt động TPM hiệu quả nhất: Theo Kinh nghiệm triển khai TPM của Công ty Cường Vinh, giải pháp được doanh nghiệp hài lòng nhất và được các cán bộ hưởng ứng tốt nhất là duy trì tốt hoạt động của Ban TPM. Hằng tháng cần có các báo cáo kết quả thực hiện TPM với 4 nội dung chính như sau:

  • Chỉ số OEE trung bình trong tháng
  • Những đề xuất cải tiến cho tháng tiếp theo
  • Số liệu thống kê các lỗi gây ngừng máy, thời
    gian ngừng máy và chi phí tổn thất tương ứng của từng lỗi.
  • Kết quả của tất cả các cải tiến trong năm tính tới
    thời điểm báo cáo.


6. Về khó khăn lớn nhất khi triển khai TPM:  Trong quá trình triển khai, doanh nghiệp luôn gặp khó khăn lớn nhất chính là việc duy trì sự tham gia của các phòng ban, từ ban lãnh đạo, các quản lý đến nhân viên vận hành vào các hoạt động của TPM.Do quỹ thời gian có hạn và cũng không thể đòi hỏi mọi thành viên bỏ hết các công việc chính của họ để dành 100% thời gian làm việc vào TPM được. Vì vậy, cần thiết phải có sự hỗ trợ nguồn lực, thời gian từ phía ban lãnh đạo, song song với việc xây dựng một lịch hoạt động cân đối cho mọi thành viên trong ban triển khai và quan trọng nhất vẫn là một cơ chế duy trì phù hợp theo tình hình hoạt động thực tế của công ty để đảm bảo việc duy trì TPM lâu dài.


Trên đây là tổng hợp 6 kinh nghiệm mà công ty Cường Vinh đã rút ra sau quá trình triển khai thí điểm TPM, Vietsoft hy vọng cho các doanh nghiệp sẽ có thêm các nhìn nhận về nhiều khía cạnh giúp mang lại thành công cho quá trình này. Thay cho lời kết, chúng tôi xin đúc kết chia sẻ của ban lãnh đạo công ty Cường Vinh về TPM như sau: “Công cụ TPM giúp ban lãnh đạo và quản lý công ty nhận thức được vai trò tích cực của các công cụ quản lý năng suất, chất lượng; tạo môi trường học tập liên tục trong công ty và mang lại lợi ích kinh tế bền vững lâu dài cho cả công ty và nhân viên.”


Nếu gặp khó khăn trong quá trình triển khai TPM, xin hãy liên hệ cùng Vietsoft, các chuyên gia tư vấn bảo trì của chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình triển khai TPM cũng như các giải pháp phần mềm quản lý bảo trì tài sản CMMS.