Xung lực mới cho dệt may trong năm 2022

Khác với tình trạng thiếu lao động sau Tết vẫn diễn ra hàng năm, đầu năm 2022 tại hầu hết các doanh nghiệp dệt may 100% lao động đã phấn khởi trở lại làm việc… Ngành dệt may kỳ vọng vào một năm sản xuất thắng lợi, hoàn thành mục tiêu xuất khẩu đạt hơn 43 tỷ USD…

 

Ngành dệt may Việt Nam đưa ra mục tiêu cho năm 2022 đạt khoảng 43 tỷ USD Có được điều này là do các công ty đã coi người lao động là tài sản quý giá nhất doanh nghiệp. Dù gặp nhiều khó khăn từ tác động tiêu cực của Covid-19 nhưng nhiều doanh nghiệp đã đưa ra các chế độ đãi ngộ, đảm bảo việc làm, lương, thưởng cho người lao động.

 

 

1. Mức thưởng tết cao nhất tới 25 triệu đồng

Như nhiều đơn vị khác chịu tác động của Covid-19, Tổng công ty CP dệt may Hòa Thọ đã hóa giải khó khăn bằng việc đầu tư cả về cơ sở vật chất và nhân lực, đẩy mạnh giao dịch trực tuyến, triệt để khai thác hoạt động thương mại điện tử… Kết thúc năm, Tổng công ty đã đạt và vượt kế hoạch trên tất cả các chỉ tiêu. Thu nhập bình quân đạt 8,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 16% so với năm 2020, đạt 110% kế hoạch năm 2021.

 

Không chỉ vậy, tất cả lao động đều được thưởng Tết tháng lương thứ 13 bằng 1,5 tháng lương bình quân, tương đương 13 triệu đồng/người. Ngoài ra, số tiền mà công đoàn Tổng công ty lo quà Tết cho đoàn viên, người lao động lên tới hơn 3,5 tỷ đồng. Đặc biệt, Tổng công ty thông báo bù 100% tiền lương cho những ngày lao động nghỉ Tết trong tháng 1 và 2/2022.

 

Giống như Dệt may Hòa Thọ, dù khó khăn nhưng Công ty TNHH MTV dệt 8-3 đã có năm đầu tiên đạt lợi nhuận 3 con số và đã có tích lũy để triển khai các kế hoạch đầu tư trong giai đoạn tới.

 

Theo ông Phạm Văn Tuyên, Tổng giám đốc Dệt 8-3, trong thời gian vừa qua công ty đã có rất nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường làm việc và thu nhập cho người lao động. Hiện tại, mức thu nhập bình quân của người lao động tại công ty đạt 13,5 triệu đồng/người/tháng.

 

“Năm nay, công ty thưởng Tết cho mỗi người lao động từ 2,5 – 3 tháng lương với mức tiền trung bình trên 20 triệu đồng/người. Vì vậy, ngay ngày mở máy đầu Xuân Nhâm Dần, 100% người lao động đã quay trở lại làm việc”, ông Tuyên chia sẻ.

Chị Lường Thị Cúc, Tổ trưởng Tổ sợi con, Nhà máy 1, cho biết sau thời gian nghỉ Tết, 100% công nhân của nhà máy đều đã quay lại làm việc. Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng lãnh đạo công ty vẫn đảm bảo thu nhập và có mức thưởng Tết cao. “Đây là nguồn động viên lớn để người lao động tiếp tục phấn đấu hoàn thành đạt hiệu suất, chất lượng lao động trong năm mới 2022”, chị Cúc vui mừng nói.

 

Với Tổng công ty may Hưng Yên, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT, chia sẻ năm 2021, doanh thu của tất cả các đơn vị trong hệ thống đều tăng trưởng ít nhất khoảng 10%, thu nhập bình quân trên 10 triệu đồng/người/tháng.

 

Đáng hoan nghênh, Tết Nhâm Dần 2022, các đơn vị trong hệ thống cũng đã chi trả thưởng cho người lao động, cao nhất trung bình khoảng 25 triệu đồng/người và thấp nhất cũng đạt 10 triệu đồng/người.

 

Vui mừng trở lại làm việc sau thời gian nghỉ Tết, chị Nguyễn Thị Thúy, công nhân Tổ kiểm tra, Nhà máy Nhuộm hoàn tất, Công ty TNHH dệt kim Đông Xuân, cho biết được gặp lại đồng nghiệp, được trở lại sản xuất là điều chị mong muốn nhất trong thời gian nghỉ Tết.

 

“Sự quan tâm thăm hỏi, chúc Tết ngay tại thời điểm chúng tôi bắt nhịp lại với công việc của lãnh đạo doanh nghiệp chính là nguồn khích lệ to lớn để chúng tôi không ngừng thi đua lao động giỏi, sản xuất tốt”, chị Thúy bộc bạch.

 

Không giấu được niềm vui, chị Nguyễn Thị Nhẫn, Xí nghiệp May 2, Công ty CP Tiên Hưng, chia sẻ: “Được sự quan tâm chu đáo của ban lãnh đạo, công đoàn công ty, người lao động chúng tôi đã có những ngày Tết vui tươi, ấm áp và an toàn. Chúng tôi có thêm động lực và khí thế khi trở lại với chuyền may, với quyết tâm phát huy hết khả năng lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến hoàn thành chỉ tiêu sản xuất đạt chất lượng và hiệu suất cao nhất”.

 

2. Đòn bẩy từ chính sách

Thêm một niềm vui lớn nữa đến với các doanh nghiệp dệt may trong năm mới này, đó là đến nay, hầu hết các doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý 3/2022.

 

Bà Phạm Thị Phương Hoa, Tổng giám đốc Tổng công ty may Hưng Yên, cho biết với những lợi thế về chất lượng trong nhiều năm đối với đối tác, hiện các đơn hàng của May Hưng Yên đã kín tới tháng 6/2022. Tuy nhiên, ban lãnh đạo Tổng công ty cũng đang hướng tới làm FOB khi nguồn vải trong nước dồi dào để gia tăng giá trị lợi nhuận.

 

Là một trong những đơn vị cung cấp sợi mảnh đưa vào chuỗi cung ứng của Vinatex, ông Hồ Lê Hùng, Tổng giám đốc Hanosimex, cho biết Hanosimex đặt mục tiêu nắm bắt tốt nhất thời cơ của 4 tháng đầu năm 2022 để hoàn thành các mục tiêu sản xuất kinh doanh của ngành sợi năm 2022.

 

 Xung lực mới cho dệt may trong năm 2022

Năm 2021 xuất khẩu sợi cán mốc kỷ lục 5,5 tỷ USD

 

“Với những dự báo năm 2022 ngành sợi sẽ có những biến động, nhất là trong nửa cuối năm 2022, thì việc nắm bắt tốt cơ hội là điều mà Hanosimex cần nỗ lực để hoàn thành các chỉ tiêu. Đồng thời, Hanosimex cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện ngành may để tăng hiệu suất lao động, tiến tới mở rộng quy mô ngành may tại khu vực Nghệ An”, ông Hùng thông tin thêm.

 

Nhận định về bức tranh ngành dệt may năm 2022, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex, cho rằng thế giới dự báo ngành dệt may sẽ có cải thiện 2,7% (tăng thêm khoảng 20 tỷ USD), GDP toàn cầu tăng khoảng 4,1%, thương mại tăng khoảng 7% và lạm phát khoảng 3%.

 

Trên cơ sở này, ngành dệt may Việt Nam đưa ra mục tiêu cho năm 2022 đạt khoảng 43 tỷ USD. Riêng Vinatex đặt mục tiêu tăng trưởng chung trên 8%, trong đó tập trung vào tỷ lệ giá trị gia tăng và tỷ suất lợi nhuận trên vốn phải đạt từ 20 – 25%.

 

Để phát triển bền vững trong năm 2022, Vinatex đề ra 4 nhóm giải pháp chính, trong đó tập trung đẩy mạnh giải pháp chuyển đổi số; tiếp tục hình thành các năng lực cung ứng đủ lớn cho ngành hàng dệt kim, phấn đấu đạt 2 vạn 20 nghìn tấn hàng dệt kim trọn gói trong năm 2022 đáp ứng yêu cầu của khách hàng trong các chuỗi quy mô lớn của thế giới.

 

Đồng thời liên kết sợi – dệt – may để tăng giá trị gia tăng, linh hoạt trong mô hình kinh doanh. Củng cố năng lực sản xuất, liên tục cập nhật các mô hình mới, hiện đại, đầu tư chiều sâu, tự động hóa để giảm lao động và đầu tư theo hướng sản xuất xanh, sạch. Vinatex xây dựng chiến lược tài chính dài hạn cho chu kỳ mới của đầu tư chiều sâu, công nghệ để tạo ra một ngành dệt may tự động hóa theo Công nghiệp 4.0.

 

Nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm là mục tiêu ngành dệt may hướng tới, song theo ông Lê Tiến Trường, các doanh nghiệp dệt may rất cần sự hỗ trợ từ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành. Đó là sự ổn định kinh tế vĩ mô; lãi suất, tỷ giá phải phù hợp cho thúc đẩy xuất khẩu. Bên cạnh đó, Chính phủ cần sớm có hướng dẫn gói hỗ trợ kinh tế, trong đó có hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp có điều kiện phục hồi nhanh.

 

Mặt khác, tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục hải quan, sửa đổi quy định tại Nghị định 18/2021/NĐ-CP, cho phép miễn thuế nhập khẩu với hàng nhập tại chỗ để sản xuất hàng xuất khẩu, tạo sự bình đẳng giữa hình thức gia công xuất khẩu và sản xuất xuất khẩu, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển sang phương thức xuất khẩu mua đứt bán đoạn thay vì khuyến khích gia công.

 

Vấn đề chi phí logistics cũng cần được tháo gỡ, vì hiện nay chi phí logistic đang chiếm tới 9,3% giá thành sản phẩm dệt may. Hơn nữa, sản xuất hàng dệt may mang tính thời vụ, không dàn đều ở các tháng, vì vậy cần linh hoạt số giờ làm thêm hàng tháng, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu.