Thách thức trong cách mạng công nghiệp 4.0 của ngành dệt may Việt Nam

 

Theo thống kê, trên 70% doanh nghiệp trong ngành dệt may có quy mô nhỏ và trung bình trong ngành sẽ rất khó khăn trong việc đầu tư, ứng dụng công nghệ mới. 30% doanh nghiệp, gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp lớn trong nước đã ứng dụng tự động hóa theo từng công đoạn sản xuất, trong đó dưới 5% có kế hoạch triển khai công nghệ tự động hóa kết nối.

thách thức trong cách mạng công nghiệp 4.0 của ngành dệt may Việt Nam

Dệt may được coi là một trong những lĩnh vực chủ chốt của nhiều nền kinh tế, quy mô thương mại của thị trường dệt may toàn cầu chiếm từ 8 – 8,8% tổng thương mại toàn cầu, tính theo trị giá, đạt khoảng 1.400 – 1.550 tỷ USD.

 

Theo dữ liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế, thương mại dệt may toàn cầu đã mở rộng với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 3,3% trong giai đoạn 2016 – 2019. Năm 2020, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến thương mại ngành dệt may toàn cầu giảm 3,89% so với năm 2019.

 

Ngành dệt may của Việt Nam cũng là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực và giữ vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế, chiếm 12 – 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

 

Và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được kỳ vọng sẽ tạo nên sự thay đổi lớn về phương thức sản xuất, làm thay đổi sâu rộng chuỗi giá trị sản phẩm, từ nghiên cứu – phát triển đến sản xuất, dịch vụ logistics đến dịch vụ khách hàng…, giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất, vận chuyển, phân phối và làm tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

 

Ngành công nghiệp dệt may Việt Nam trong những năm gần đây đã có những bước tiến tích cực cả về sản xuất và xuất khẩu. Trong đó, tốc độ tăng trưởng trong sản xuất ngành dệt may bình quân giai đoạn 2016 – 2020 đạt 7,9%/năm, riêng năm 2018 tăng trên 33%. Năm 2020, ngành dệt may là một trong những ngành chịu tác động tiêu cực và kéo dài của dịch Covid-19.

 

Chỉ số sản xuất công nghiệp ngành dệt giảm 0,5%; ngành sản xuất trang phục giảm 4,9% do đại dịch Covid-19 làm đứt gãy nguồn cung nguyên liệu, thu hẹp thị trường tiêu thụ các sản phẩm may mặc, nhu cầu sản phẩm dệt may giảm sút mạnh khi người tiêu dùng trên thế giới chỉ quan tâm đến đồ dùng thiết yếu và phòng chống dịch. Mặc dù dịch bệnh làm tăng nhu cầu các sản phẩm bảo hộ, sản phẩm y tế, khẩu trang (cả nội địa và nước ngoài), tuy nhiên ngành dệt may cần phải tìm cách tồn tại, phát triển phù hợp với bối cảnh mới.

 

Trong 9 tháng năm 2021, ngành dệt may đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước nhờ chuỗi sản xuất phục hồi với đơn hàng truyền thống tăng trở lại. Chỉ số sản xuất ngành dệt và sản xuất trang phục trong 9 tháng năm 2021 đều tăng so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, chỉ số sản xuất ngành dệt tăng 7,8%; ngành sản xuất trang phục tăng 4,8%. Chỉ số sản xuất của một số sản phẩm trong ngành trong 9 tháng năm nay đều tăng so với cùng kỳ năm 2020 như vải dệt từ sợi tự nhiên ước tính đạt 501,5 triệu m2, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2020; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo đạt 860,4 triệu m2, tăng 4,9%; quần áo mặc thường đạt 3.411,2 triệu cái, tăng 4,5%.

 

Đáng chú ý, so với cùng thời điểm trước đại dịch (9 tháng đầu năm 2019), sản xuất vải dệt từ sợi tự nhiên của Việt Nam tăng 5,4%, trái lại, sản xuất vải dệt từ sợi nhân tạo hoặc tổng hợp và sản xuất trang phục giảm lần lượt là 2,4% và 10%. Cùng với sản xuất, xuất khẩu toàn ngành dệt, may mặc của Việt Nam cũng đã đạt được kết quả đáng khích lệ trong những năm gần đây.

 

Trong giai đoạn 2016 – 2020, xuất khẩu toàn ngành dệt may tăng trưởng bình 5,6%/năm. Riêng năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu khiến xuất khẩu toàn ngành dệt may Việt Nam giảm khoảng 10% so với năm 2019. Những tháng đầu năm 2021, thị trường dệt may toàn cầu có xu hướng hồi phục bởi các gói hỗ trợ về kinh tế và thông tin tích cực về triển khai vắc xin phòng dịch Covid-19; nhu cầu các mặt hàng nói chung và may mặc nói riêng đã phần nào hồi phục trở lại. Việc chuyển dịch đơn hàng từ các nước quốc gia cạnh tranh, đặc biệt từ Myanma giúp cho Việt Nam đón nhận một lượng đơn hàng đột biến ngay từ quý I/2021. Ngoài ra, trong năm 2021, các doanh nghiệp dệt may không gặp phải vấn đề nguồn nguyên liệu bị đứt gãy như trong những tháng đầu năm 2020. Đơn hàng dồi dào, kết hợp với những lợi thế trên thị trường xuất khẩu đã giúp dệt may Việt Nam dần hồi phục với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng theo từng tháng cho đến giữa năm 2021.

 

Bước sang quý III/2021, thời điểm dịch Covid-19 trong nước bùng phát, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp dệt may… kéo theo đó, xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong quý III đã giảm.

 

Theo thống kê của Tổng cục hải quan, xuất khẩu toàn ngành dệt may trong quý III/2021 đạt 10,179 tỷ USD, giảm 0,91% so với quý II/2021 và giảm 2,07% so với quý III/2020. Tính chung trong 9 tháng năm 2021, xuất khẩu toàn ngành dệt may đạt 29,5 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng vẫn giảm nhẹ 0,4% so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước đại dịch).

 

Có thể thấy, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động xuất khẩu của ngành dệt may, tuy vậy, đây là chỉ là sự gián đoạn trong ngắn hạn, dự báo, xuất khẩu toàn ngành dệt may sẽ lấy lại đà tăng trưởng trong quý IV/2021.

 

Nhìn tổng thể tình hình xuất khẩu ngành dệt may trong những năm gần đây thấy rằng, tăng trưởng trong xuất khẩu ngành dệt may của Việt Nam biến động theo xu hướng xuất khẩu chung của cả nước. Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch bệnh nhưng xuất khẩu toàn ngành dệt may vẫn cho thấy sự tăng trưởng nhảy vọt trong 9 tháng năm 2021 (tăng trưởng hình chữ V), có được kết quả trên là do ngành dệt may Việt Nam đã và đang nỗ lực không ngừng để có thể bắt kịp với xu hướng thế giới. Trong đó, nổi bật nhất là sự chủ động của các doanh nghiệp.

 

Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã chủ động nâng cao năng lực sản xuất; nâng cao trình độ tay nghề; chuyển hướng sản xuất từ hình thức chỉ nhận gia công sang hình thức tự chủ nguồn nguyên liệu, tự thiết kế và hoàn thành sản phẩm; đặc biệt, việc các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào thiết bị, công nghệ tự động hóa cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo nền tảng để ngành dệt may chống chịu được những áp lực của thị trường về chất lượng, điều kiện giao hàng nhanh…

 

Ngoài ra, sự hỗ trợ từ phía Nhà nước trong việc tổ chức các cuộc hội thảo, xúc tiến thương mại theo hình thức trực tuyến để các doanh nghiệp có cơ hội tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu; nhà nước hỗ trợ trong việc thu hút vốn đầu tư vào ngành dệt may…

 

Tuy vậy, sản xuất dệt may Việt Nam là một trong những ngành công nghiệp chịu nhiều thách thức nhất từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 do sử dụng nhiều lao động.

 

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp Thương mại, tự động hóa được kết nối trên nền tảng internet kết nối vạn vật, điện toán đám mây, công nghệ sản xuất in 3D, phân tích dữ liệu lớn và trí thông minh nhân tạo sẽ dần dần thay thế người lao động trong các dây chuyền sản xuất trong nhà máy và trong toàn bộ chuỗi cung ứng sản phẩm dệt may. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập, xu thế sử dụng sản phẩm xanh, vật liệu nano, vật liệu có tính năng đặc biệt ngày càng phổ biến trên thế giới. Do đó, công nghệ sản xuất của ngành sợi, dệt, nhuộm phải đáp ứng xu thế này thì mới có đơn hàng. Ngoài ra, xu thế sử dụng thiết bị dệt may được số hóa, tự động hóa, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất sợi, dệt, nhuộm và may cơ bản (nhà máy thông minh, in 3D, dệt 3D)… cũng sẽ phải theo xu thế này để kết nối minh bạch trong toàn bộ chuối cung ứng.

 

Thống kê cho thấy, trên 70% doanh nghiệp trong ngành dệt may có quy mô nhỏ và trung bình trong ngành sẽ rất khó khăn trong việc đầu tư, ứng dụng công nghệ mới. Chỉ có 30% doanh nghiệp, gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp lớn trong nước đã ứng dụng tự động hóa theo từng công đoạn sản xuất, trong đó dưới 5% có kế hoạch triển khai công nghệ tự động hóa kết nối. Việc đáp ứng các yêu cầu trên đang là những thách thức rất lớn cho doanh nghiệp dệt may trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

 

Bên cạnh đó, trình độ nhân lực của các doanh nghiệp dệt may còn thấp (với 84,4% lao động có trình độ phổ thông), trong khi lao động có trình độ đại học chỉ chiếm 0,1%… Trong bối cảnh hội nhập và diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, phương thức đặt hàng tự động trên nền tảng trí tuệ nhân tạo và robot sẽ được ứng dụng rộng rãi trong khâu kết nối doanh nghiệp với khách hàng. Thương mại điện tử cũng sẽ là kênh bán hàng được phát triển rộng rãi trong nhiều khâu của chuỗi cung ứng trong ngành sợi, đặc biệt là khâu bán hàng…

Tác giả: An Bình (tổng hợp)

Nguồn:  Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại