Sản xuất dệt may của Hồng Kông giảm, cơ hội cho may mặc Việt Nam

Sản xuất hàng dệt may và may mặc của Hồng Kông giảm, cơ hội cho hàng Việt Nam

Sản xuất dệt may của Hồng Kông giảm, cơ hội cho may mặc Việt Nam

Hồng Kông đã từng là một trong bốn trung tâm sản xuất lớn ở châu Á. Trong những năm 1950 và 1960, Hồng Kông đã trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu toàn cầu.

 

Hồng Kông sản xuất số lượng lớn hàng hóa xuất khẩu ra các thị trường trên toàn thế giới, sản xuất các sản phẩm bao gồm hàng may mặc, đồ nhựa, đồ chơi và đồ điện tử. Tuy nhiên, hiện ngành sản xuất công nghiệp Hồng Kông chiếm chưa tới 1% GDP, trong khi ở các nền kinh tế khác sản xuất công nghiệp chiếm khoảng từ 20 – 30%. Trong những năm gần đây, thị trường Hồng Kông đã nỗ lực thúc đẩy hóa ngành công nghiệp nhằm đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và giảm sự phụ thuộc vào dịch vụ ngành công nghiệp.

 

Chính sách này đặc biệt tập trung vào việc phát triển sản xuất công nghiệp 4.0. Với tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp của Hồng Kông vào tăng trưởng GDP thấp, do đó Hồng Kông tập trung sản xuất hàng cao cấp, sản xuất tiên tiến, tự động hóa hoặc hỗ trợ kỹ thuật để tạo ra giá trị gia tăng cao. Hồng Kông đang xây dựng Trung tâm Sản xuất Tiên tiến (AMC) để trao quyền cho các công ty địa phương đang tìm cách khai thác kỷ nguyên tái công nghiệp hóa mới này.

 

Dự kiến hoàn thành vào năm 2022, dự án AMC là một phần của việc Hồng Kông đang hồi sinh các khu công nghiệp thành các cơ sở sản xuất tiên tiến. Ngành sản xuất của Hồng Kông đã trải qua một sự suy giảm đáng kể trong giai đoạn 2016 – 2020, do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19. Theo số liệu thống kê từ Cục điều tra dân số và thống kê Hồng Kông, chỉ số sản xuất tất cả các ngành công nghiệp đều giảm. Trong đó, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế tạo của Hồng Kông giảm bình quân 0,9%/năm, từ 99,6 điểm vào năm 2016 xuống mức thấp kỷ lục 95,8 điểm vào năm 2020.

 

Cùng với sự suy giảm kéo dài của lĩnh vực sản xuất ở Hồng Kông, hiệu quả hoạt động của hàng dệt may (bao gồm cả dệt kim) và ngành may mặc (trừ hàng dệt kim và da giày), là hai ngành nổi bật trong lĩnh vực sản xuất, cũng có những thay đổi đáng kể trong vòng 5 năm trở lại đây. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp hàng dệt may và may mặc giảm bình quân 1,6%/năm, từ 95,7 điểm vào năm 2016 xuống 89,8 điểm vào năm 2020. Tương tự, chỉ số sản xuất ngành thực phẩm, đồ uống và thuốc lá của Hồng Kông giai đoạn 2016 – 2020 giảm bình quân 1,3%/năm, từ 103,9 điểm năm 2016 xuống 97,7 điểm năm 2020; sản phẩm giấy, in ấn và tái tạo vật liệu in giảm bình quân 1,5%/năm trong giai đoạn 2016 – 2020, từ 99,2 điểm năm 2016 xuống 93,3 điểm năm 2020; kim loại, máy tính, sản phẩm điện tử và quang học, máy móc và thiết bị giảm bình quân 0,4%, từ 98,8 điểm năm 2016 xuống 97 điểm năm 2020.

 

Theo số liệu sơ bộ của Cục điều tra dân số và thống kê Hồng Kông, chỉ số sản xuất công nghiệp các ngành sản xuất nói chung trong quý II/2021 tăng 5,6% so với quý II/2020, sau khi tăng 2,6% trong quý I/2021. Trong đó, chỉ số công nghiệp của các ngành sản xuất chính của Hồng Kông trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu ở nhóm ngành công nghiệp chế tạo tăng 4,2%, lên 98 điểm; nhóm ngành thực phẩm, đồ uống và thuốc lá của Hồng Kông tăng 6,3%, lên 99,6 điểm; các sản phẩm giấy, in ấn và tái tạo vật liệu in đã ghi tăng 0,1% lên 91,5 điểm; nhóm ngành kim loại, máy tính, sản phẩm điện tử và quang học, máy móc và thiết bị tăng 2,2%, lên 96 điểm. Ngược lại, ngành hàng dệt may và may mặc là ngành hàng duy nhất có chỉ số sản xuất giảm 0,4% so với 6 tháng đầu năm 2020, xuống 81,8 điểm.

 

Hồng Kông là trung tâm tài chính, thương mại quan trọng của châu Á và thế giới, đồng thời là nơi tập trung nhiều trụ sở các công ty lớn của châu Á – Thái Bình Dương. Đặc biệt, Hồng Công còn được xem là cửa ngõ thương mại – đầu tư của Trung Quốc đại lục với nước ngoài. Trong đó, vận chuyển hàng hóa trung chuyển qua cảng giữa Hồng Kông và Trung Quốc đại lục chiếm tỷ trọng lớn nhất (41,3%) hàng hóa trung chuyển cảng của Hồng Kông. Khoảng 71,5% các chuyến vận chuyển hàng hóa trung chuyển cảng Đại lục – Hồng Kông là giữa Hồng Kông và khu vực Đồng bằng sông Châu Giang. Vì vậy, một lượng hàng hóa rất lớn được tạm nhập tái xuất qua trạm trung chuyển Hồng Kông để xuất khẩu sang các thị trường khác trên thế giới.

 

Theo số liệu từ Cục điều tra dân số và thông kê Hồng Kông, giai đoạn 2016 – 2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của thị trường Hồng Kông tăng trưởng bình quân 1,8%, từ 4.008,38 tỷ HKD (tương đương 514,88 tỷ USD) năm 2016 tăng lên mức cao nhất 4.721,4 tỷ HKD (606,47 tỷ USD) vào năm 2017, sau đó giảm xuống 4.415,4 tỷ HKD (567,17 tỷ USD) năm 2019 và xuống mức thấp 4.269,75 tỷ HKD (548,46 tỷ USD) vào năm 2020. Trong đó, Hồng Kông nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 tăng trưởng bình quân 17%/năm, từ 246,7 triệu HKD (xấp xỉ 7 tỷ USD) năm 2016 tăng lên 100,64 triệu HKD (12,97 tỷ USD) năm 2020. Thị phần hàng hóa của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của thị trường Hồng Kông tăng từ 2,8% năm 2016 lên 5,3% vào năm 2020. Trong đó, Hồng Kông nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam đạt 73,65 tỷ HKD (9,5 tỷ USD), tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2020.

 

Hồng Kông nhập khẩu từ Việt Nam chủ yếu các mặt hàng máy móc, thiết bị điện và các bộ phận; máy ghi âm và tái tạo âm thanh, ti vi (HS 85); ngọc trai tự nhiên hoặc nuôi cấy, đá quý hoặc đá bán quý, kim loại quý, kim loại dát (HS 71); Máy móc, thiết bị cơ khí, lò phản ứng hạt nhân, nồi hơi; các bộ phận (HS 84); Giày, dép (HS 64); Các mặt hàng may mặc và phụ kiện quần áo, dệt kim hoặc móc (HS 61); Các mặt hàng may mặc và phụ kiện quần áo, không dệt kim hoặc móc (HS 62); Bông (HS 50)…

 

Trong 8 tháng đầu năm 2021, Hồng Công nhập khẩu hàng hóa đạt 3.369,97 tỷ HKD (432,88 tỷ USD), tăng 26,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, nhập khẩu chủ yếu các mặt hàng máy móc, thiết bị và thiết bị điện, và các bộ phận điện của chúng; máy và thiết bị viễn thông, ghi âm và tái tạo âm thanh; máy văn phòng và máy xử lý dữ liệu tự động; máy ảnh, thiết bị và vật tư, hàng hóa quang học, đồng hồ và đồng hồ đeo tay; máy móc thiết bị phát điện; tinh dầu và chất nhựa dẻo và nguyên liệu làm nước hoa; chế phẩm vệ sinh, đánh bóng và tẩy rửa…

 

Trong khi đó, Hồng Kông xuất khẩu chủ yếu các mặt hàng như: Máy móc, thiết bị và thiết bị điện, và các bộ phận điện của chúng; máy và thiết bị viễn thông, ghi âm và tái tạo âm thanh; máy văn phòng và máy xử lý dữ liệu tự động; dụng cụ và bộ máy chuyên nghiệp, khoa học và kiểm soát; máy móc thiết bị phát điện; các mặt hàng may mặc và phụ kiện quần áo…

 

Như vậy, với ngành sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng thấp, Hồng Kông nhập khẩu hàng hóa phục vụ một phần nhu cầu tiêu thụ nội đia, chủ yếu xuất khẩu sang các nước khác. Xét về thương mại hàng hóa của Hồng Kông, Việt Nam có khả năng tăng mạnh xuất khẩu các mặt hàng như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; hàng dệt, may; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày; hàng thủy sản, quả và quả hạch, hàng thủy sản…

 

Đối với mặt hàng dệt, may, sản xuất nội địa giảm, Hồng Kông gia tăng nhập khẩu từ các thị trường khác, trong đó có Việt Nam nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Cập nhật số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, nhưng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Hồng Kông tăng trưởng khả quan 11,5% so với 9 tháng đầu năm 2020, đạt 8,4 tỷ USD.

 

Trong đó, có tới 22/29 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hồng Kông tăng. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu sắt thép các loại tăng tới 23.396,1%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 95,2%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 65,4%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 59,1%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày tăng 35,4%… Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng sang thị trường Hồng Kông giảm như: Thủy sản, giày dép các loại, túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù…

 

Tác giả: An Bình

Nguồn:Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại