Nhà máy may Việt Thắng Jean ứng dụng công nghệ cắt giảm chi phí sản xuất

Một công ty may nhà máy vốn phụ thuộc vào hơn 1.300 công nhân nay thành “doanh nghiệp không bàn giấy” khi ứng dụng công nghệ, cắt giảm 70% nhân công, có thể tăng lương để giữ chân nhân sự chủ chốt.

Từ một công ty phải phụ thuộc vào hơn 1.300 công nhân ở nhà máy, Việt Thắng Jean đã trở thành một trong những đơn vị hàng đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp, cắt giảm gần 70% nhân công, giữ được nhân sự chất lượng cao, tăng lương, tăng năng suất, lợi nhuận.

 

1.200-1.300 là số công nhân tối thiểu làm việc ở nhà máy Việt Thắng Jean (VITAJEAN) từ năm 1998. Để vận hành bộ máy với lượng nhân công rất lớn ấy, ông Phạm Văn Việt – Chủ tịch HĐQT Công ty – nhận định “đó là bài toán chi phí vô cùng nan giải”.

 

Từ thế bị động ngày ấy, giờ đây, dây chuyền sản xuất của VITAJEAN chỉ còn 380 người khi nhà máy có sự góp mặt của AI – trí tuệ nhân tạo.

Hằng ngày, tiếng máy móc vận hành đều đặn, tay rô-bốt thao tác chính xác theo những yêu cầu được lập trình sẵn, khiến ông chủ nhà máy may vô cùng hài lòng.

 

Đi sâu hơn vào xưởng sản xuất, công ty của ông Việt gây bất ngờ hơn khi cả một doanh nghiệp rầm rập làm việc không cần “bàn giấy”. Điều này có nghĩa là mọi khâu quản lý đều nằm ở một nút chạm trên màn hình điện tử. Ngay cả công nhân làm việc trực tiếp trên chuyền cũng chỉ cần nhìn đồng hồ điện tử gắn tại đó mà kiểm tra số lượng, chất lượng hàng hóa, thậm chí có thể tự tính lương cho mình thông qua sản lượng.

 

“Mọi dây chuyền sản xuất trong nhà máy đã giảm 60-70% nhân sự, tiết kiệm rất nhiều chi phí về nhân công, mặt bằng, điện, nước và tốc độ khấu hao cũng nhanh hơn. Ngoài ra, dù số lao động giữ lại chỉ còn 32%, sản lượng lại tăng gấp 3-4 lần so với trước. Có những dây chuyền chỉ cần 3 năm vận hành là thu hồi vốn”, ông Việt nói. Nhờ sự thay đổi ấy, vị Chủ tịch mừng rỡ khi nhà máy dần có khả năng cạnh tranh với Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ,…

 

Trong bối cảnh các công ty cùng ngành đang khao khát đơn hàng, ông Việt cảm thấy may mắn khi nhà máy của mình vẫn duy trì được khoảng 90% công suất hoạt động. Các thị trường xuất khẩu vẫn ổn định đơn hàng tại các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia,…

 

Để đi đến những thành công bứt phá nói trên, ông Việt và công ty đã trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, đứng trước những thách thức lớn. “Không phải ai cũng đủ can đảm. Chỉ có 70% thành viên trong công ty đồng ý để máy móc thay thế hầu hết các công việc của con người”, ông Việt cho hay.

Theo ông Việt, công ty gặp nhiều trở ngại về vốn. Bởi để vận hành một dây chuyền sản xuất 10.000 sản phẩm phải tiêu tốn khoảng 12 triệu USD. Toàn bộ máy móc phải nhập từ nước ngoài, cụ thể là châu Âu nên ngay cả việc bảo trì, bảo dưỡng cũng phụ thuộc và chờ đợi thiết bị từ nước ngoài về.

 

“Bên cạnh đó, công nhân từ trước đã quen ngồi làm việc, nay ứng dụng công nghệ vào thì buộc phải… đứng. Thay đổi tưởng chỉ đơn giản đó những bắt buộc phải đào tạo lại, để người lao động làm quen dần với máy móc công nghệ cao”, ông Việt nói.

 

Là người tiên phong trong việc đưa công nghệ vào sản xuất ở lĩnh vực may mặc, vị chủ tịch thừa nhận, thị trường chưa theo kịp cũng là một trong những vấn đề nan giải thời điểm đó.

 

“Khi gặp khó khăn, thứ chúng tôi cần chính là sự nỗ lực và thời gian. Sau một thời gian chuyển giao, kiên nhẫn đào tạo, giờ đây nhà máy có thể hoạt động trơn tru, mọi khâu, mọi việc đều do người Việt điều hành”, ông Việt cho hay.

 

Tương tự, công ty TNHH Poong In Vina cũng vừa vượt “bão” nhân lực nhờ ứng dụng công nghệ vào sản xuất, trong bối cảnh lượng lớn công nhân về quê vì dịch Covid-19.

 

Ông Lê Vũ Hồng Quân, trưởng phòng nhân sự, cho biết ở thời điểm các dây chuyền sản xuất còn phụ thuộc 100% vào con người, nhà máy gặp không ít khó khăn. Bởi chỉ cần một trong những nhân sự phụ trách mỗi khâu vắng mặt, năng suất của cả dây chuyền lập tức bị ảnh hưởng.

 

“Sau giai đoạn Covid-19, người lao động rời thành phố, trở về quê dẫn tới việc nhà máy thiếu hụt nhân công, nhà máy có đơn hàng mà không tìm được người làm”, ông Quân chia sẻ.

 

Nhận thấy điều đó, năm 2022, ban giám đốc công ty đã quyết định đầu tư, áp dụng nhiều công nghệ tự động vào sản xuất. Đơn cử, các khâu như cắt, ủi, đóng gói,… sẽ hoàn toàn do máy móc tự động đảm nhận.

 

Dần dà, công ty cũng chủ động tiếp cận được xu thế mới trong sản xuất; đảm bảo chất lượng sản phẩm, làm chủ được thời gian hoàn thiện, từ đó làm chủ được lịch sản xuất và xuất hàng. Ngoài việc giảm được chi phí nhân công, nhà máy không còn phụ thuộc quá nhiều vào nguồn lao động phổ thông mà chỉ cần lựa chọn, đào tạo để lao động kỹ thuật làm quen với việc áp dụng và vận hành máy móc.

 

 “Năng suất tăng so với trước. Áp dụng công nghệ, dây chuyền tự động, nhà máy nâng cao được năng lực cạnh tranh với các đối thủ khác, đáp ứng được những đơn hàng khó, yêu cầu công nghệ cao từ khách hàng”, trưởng phòng nhân sự cho hay.

Theo Dân trí