Khan hiếm công nhân dệt may, da giày

Đơn hàng dồi dào nhưng các nhà máy dệt may, da giày khó tuyển công nhân mới, chưa kể không ít lao động sẵn sàng “nhảy” việc tìm mức lương tốt hơn.

 

Sau Tết, chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, 40 tuổi, trọ ở xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn) quyết định “nhảy” việc sau 6 năm gắn bó với công ty may gần nơi ở. Lương cơ bản mỗi tháng chưa đến 5 triệu đồng, ít được tăng ca là hai lý do chính khiến nữ công nhân quyết định đưa đơn.

 

“Nhiều người nghỉ chứ không riêng gì tôi. Cả chuyền mấy chục người mà giờ chưa đến một nửa bám trụ”, chị Ngọc nói. Năm ngoái, khi dịch bùng phát, nhà máy phát hiện ca nhiễm nên ngừng sản xuất, một số công nhân về quê. Sau Tết, doanh nghiệp xung quanh tuyển dụng rầm rộ nên nhiều người không ngần ngại đổi việc. Phần mình, chị dự tính trong thời gian nhận trợ cấp thất nghiệp sẽ xin làm thời vụ cho xưởng may tư nhân, nhận hàng về bán online. Nếu tìm được công ty mới, lương thưởng tốt chị sẽ quay lại nhà máy, ngược lại sẽ chuyển hướng sang nghề khác kiếm sống.

 

“Nhảy” việc tìm kiếm cơ hội mới sau Tết như chị Ngọc không phải là cá biệt. Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ tịch công đoàn Dệt May Việt Nam, cho hay tỷ lệ này vào khoảng 10% tổng số lao động, càng làm gia tăng áp lực thiếu lao động lên các nhà máy. Để ứng phó, các doanh nghiệp gia tăng tuyển dụng bù đắp số nghỉ việc, phục vụ mở rộng sản xuất. Các nhà máy thuộc Tập đoàn Dệt may có mức lương bình quân mỗi tháng cho công nhân mới vào khoảng 8 triệu đồng.

 

“Nhiều nhà máy đã lắp đầy đơn hàng đến hết quý 3 nên bao nhiêu cũng tuyển, không giới hạn số lượng. Thế nhưng kiếm người cực kỳ khó”, bà Thủy nói. Nếu các năm trước, mỗi ngày một nhà máy có thể nhận vài trăm hồ sơ xin việc của lao động mới thì hiện tại con số này chỉ dừng ở vài chục, có ngày chưa đến 10.

 Khan hiếm công nhân dệt may, da giày

Công ty Việt Nam Samho đưa công nhân từ An Giang lên nhà máy ở TP HCM. Ảnh: An Phương

 

Dệt may, da giày là hai ngành dùng nhiều lao động nhất trong các ngành kinh tế của Việt Nam. Trong đó, dệt may có khoảng 2 triệu lao động, chiếm 25% toàn ngành chế biến chế tạo. Con số này ở ngành da dày là hơn 1,4 triệu, chiếm tỷ lệ trên 18%.

 

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso), nói đơn hàng dồi dào nhưng thiếu lao động, khó tuyển mới là tình trạng chung của hơn 2.000 doanh nghiệp trong ngành. Có những nhà máy rao tuyển vài nghìn lao động nhưng ròng rã 2-3 tháng chỉ tuyển được vài trăm nên phải xoay xở đủ kiểu mới có thể hoàn thành đơn hàng.

 

Với chỉ tiêu tuyển mới 500 công nhân may, thu nhập mỗi tháng hơn 8 triệu đồng nhưng gần hai tháng qua, nhà máy Thời trang G.M (Đồng Nai) chưa tuyển đủ số lượng. Ngoài kết nối với trung tâm dịch vụ việc làm, bộ nhận nhân sự của nhà máy còn trực tiếp về các tỉnh, gặp từng người để tư vấn.

 

Bộ phận tuyển dụng công ty, cho hay ban giám đốc quyết định chi hơn một tỷ đồng để thưởng cho công nhân mới. Trong đó, lao động sẽ được nhận ngay một triệu đồng khi ký hợp đồng chính thức, hỗ trợ nhà trọ 6 triệu đồng. Suốt ba tháng đầu, công ty lo đủ ba bữa ăn sáng, trưa, tối. Căn tin nhà máy chuẩn bị sẵn các phần ăn, tan ca người lao động chỉ mang về phòng trọ để dùng.

 

Lý giải nguyên nhân khó tuyển lao động dù phúc lợi tốt, phía công ty cho rằng lao động trẻ muốn được tăng ca nhiều để thêm thu nhập. Trong khi các công ty may bị ràng buộc yêu cầu của khách hàng không được làm quá giờ quy định, vi phạm sẽ bị phạt. Toàn bộ nhà máy G.M được nghỉ hai ngày cuối tuần nên công nhân không mặn mà.

 

Theo bà Nguyễn Thị Thủy, lao động ngành dệt may, da giày đang bị cạnh tranh gay gắt. Không chỉ cạnh tranh giữa các nhà máy với nhau mà còn giữa các địa phương, các nhóm ngành. Đơn cử, vài năm trước công nhân các tỉnh miền Tây sẽ lên TP HCM tìm việc, giờ đây họ có thể chọn Tiền Giang, Long An để dừng chân với chi phí sinh hoạt rẻ hơn, lương không chênh lệch nhiều.

 

Nếu chỉ nhìn vào số liệu thống kê lao động quay trở lại, thành phố sẽ rất lạc quan nhưng thực tế nhiều người trong số đó chọn làm lao động tự do. Vào nhà máy không còn là ưu tiên hàng đầu của lao động trẻ, họ có thể chạy xe ôm công nghệ để được tự do về giờ giấc, tham gia vào các ngành dịch vụ…

 

Lãnh đạo Lefaso cho rằng để có được lao động, nhiều nhà máy tung ra đủ chiêu để thu hút công nhân như lo chỗ ở, chi hàng trăm tỷ đồng để thưởng cho công nhân mới. Tuy nhiên chỉ những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh mới làm được, các công ty nhỏ sau thời gian chống chọi với dịch, cạn kiệt nguồn tiền gần như “bỏ cuộc đua”.

 

Để đối phó với tình trạng khan hiếm lao động, nhiều năm qua, một số doanh nghiệp trong ngành đã đưa nhà máy sản xuất về các tỉnh hoặc phân bổ lại các khâu sản xuất. Đơn cử, Công ty cổ phần Quốc tế Phong Phú với trên 16.000 lao động nhưng các nhà máy được bố trí trải dài từ Long An đến Tuyên Quang.

 

Tại TP HCM, doanh nghiệp này cũng đặt trung tâm may mẫu và đảm nhận công đoạn phức tạp. Robot được sử dụng trong một số công đoạn để tiết giảm nhân công. Công ty giày Việt Nam Samho ngoài nhà máy ở Củ Chi (TP HCM) còn có nhà máy ở An Giang, bộ phận nhân sự ở tỉnh sẽ tuyển lao động giúp và luân chuyển lên thành phố làm việc.

 

Theo số liệu của TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, quý 1 năm nay, các doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển mới khoảng 150.000 lao động, đứng đầu là ngành dệt may, da giày. Một số nhà máy lớn cần 1.000-5.000 công nhân, tung hàng loạt chương trình thưởng hấp dẫn để thu hút người mới.

 Lê Tuyết – VNExpress