Xuất khẩu dệt may tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm

Xuất khẩu dệt may dự báo sẽ mang về từ 42-43,5 tỉ USD trong năm 2022, dù dịch COVID-19 đang phức tạp và xung đột Nga – Ukraina đang căng thẳng.

Xuất khẩu dệt may tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm

1. Xuất khẩu dệt may bật tăng cao nhất trong vòng 10 năm

Theo Tổng cục Hải quan, trong quý I/2022, trị giá xuất khẩu nhóm hàng dệt may đạt 8,68 tỉ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 1,46 tỉ USD. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, tính từ năm 2012 đến nay.

 

Tăng trưởng của nhóm hàng dệt may ở mức kỷ lục trong tháng 3.2022, đạt 3,05 tỉ USD, tăng 48,3%, tương ứng tăng hơn 1 tỉ USD so với tháng trước.

 

Trong quý I/2022, Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 4,3 tỉ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 50,3% tổng trị giá xuất khẩu hàng dệt may của cả nước. Tiếp theo là thị trường EU với 896 triệu USD, tăng 31%; thị trường Hàn Quốc với 754 triệu USD, tăng 7%…

 

Trao đổi với PV, nhiều doanh nghiệp phấn khởi chia sẻ về những thuận lợi trong ký kết đơn hàng xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp đã kín đơn hàng đến quý III/2022, thậm chí có doanh nghiệp đã ký đơn hàng quý IV/2022. Đây là tín hiệu tốt cho thấy triển vọng tăng trưởng của nhóm ngành này trong năm 2022.

 

Ngoài dệt may, 2 nhóm hàng xuất khẩu quan trọng khác của ngành công nghiệp dệt may cả nước cũng có sự tăng trưởng ấn tượng là xơ, sợi và vải mành, vải kỹ thuật.

 

Trong đó, quý I, xơ, sợi đạt 1,45 tỉ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái và nhóm vải mành, vải kỹ thuật đạt hơn 700 triệu USD, tăng 26,5%.

 

Như vậy, trong quý đầu năm, 3 nhóm hàng xuất khẩu chính của ngành công nghiệp dệt may đạt 10,85 tỉ USD, đạt hơn 25% so với mục tiêu xuất khẩu của cả năm 2022.

 

2. Phấn đấu đạt kim ngạch 42-43,5 tỉ USD trong năm 2022

Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), năm 2022, ngành dệt may được dự báo đạt kim ngạch xuất khẩu từ 42 đến 43,5 tỉ USD.

 

Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) – cho rằng, với nỗ lực của cả ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp, kỳ vọng xuất khẩu dệt may có thể đạt được con số đã nêu trên, bởi căn cứ vào các yếu tố như: Dự báo tổng cầu dệt may năm 2022 của thế giới tăng khoảng 3%. Hơn nữa, các đối tác bày tỏ sự tin tưởng đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi trong khó khăn do dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực khắc phục, đáp ứng các đơn hàng trong hoàn cảnh nhiều thách thức.

 

Còn theo Ông Thân Đức Việt – Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng doanh nghiệp đã tháo gỡ được nhiều “nút thắt”. Hiện toàn bộ mặt hàng truyền thống của doanh nghiệp đều đã kín đơn hàng đến quý III/2022.

 

Để đạt được kế hoạch trên, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh sản xuất, tận dụng tốt các lợi thế mà các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) mang lại. Theo Tổng Giám đốc Thân Đức Việt, May 10 đang tập trung tận dụng 2 FTA chính là CPTPP và EVFTA. Trong đó, thị trường EU hiện rất tiềm năng bởi tỉ trọng hàng may mặc xuất khẩu của Việt Nam vào Châu Âu đang rất thấp, EVFTA sẽ hỗ trợ để xuất khẩu dệt may vào thị trường EU tăng đột phá trong năm 2022 và thời gian tới.

 

Theo Công ty chứng khoán Mirae Asset, xuất khẩu may mặc của Việt Nam vào EU trong năm 2022 tiếp tục duy trì ở mức quanh 3 tỉ Euro. 

 

Mirae Asset cũng cho rằng, nhu cầu mặt hàng dệt may ở các thị trường chính sẽ tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh cuộc sống trở lại bình thường sẽ là động lực cho ngành dệt may năm 2022.

Nguồn: laodong.vn