Lợi ích của bảo trì phòng ngừa

Để đảm bảo hoạt động liên tục, hiệu quả của máy móc, thiết bị góp phần quan trọng trong việc duy trì tính ổn định quy trình vận hành sản xuất của các doanh nghiệp thì việc bảo trì bảo dưỡng hệ thống máy móc là việc làm rất cần thiết. Tuy nhiên cân nhắc lựa chọn loại hình thức bảo trì để có thể tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo thiết bị hoạt động tốt luôn là việc khó khăn đối với các nhà quản lý thiết bị.

1. 3 phương pháp bảo trì phổ biến tại Việt Nam

Hiện nay có 3 phương pháp phổ biến được áp dụng để bảo trì máy móc thiết bị:

1. Bảo trì máy móc thiết bị định kỳ: Dựa trên những thông số kỹ thuật của nhà sản xuất và tình trạng sử dụng thiết bị để đưa ra kế hoạch bảo trì và thay thế các chi tiết máy theo lịch cố định.

2. Sửa chữa, bảo trì sau khi máy móc/thiết bị bị hỏng: Sử dụng máy cho tới khi hỏng và chỉ thực hiện các công tác bảo dưỡng đơn giản như tra, thay dầu mỡ, sửa chữa, tân tạo lại máy sau khi hỏng.

3. Bảo trì theo tình trạng máy: Tình trạng máy sẽ được kiểm soát định kỳ. Chỉ lên kế hoạch dừng máy để xử lý dung sai (ví dụ độ lệch tâm hay mất cân bằng), hoặc thay thế, sửa chữa sau khi chẩn đoán chính xác tình trạng máy trước khi máy hỏng.

Việc xem xét để đưa ra phương pháp bảo trì phù hợp cho từng loại máy móc là không hề đơn giản khi phải tính đến những yếu tố như thời gian sử dụng máy, vai trò sử dụng của máy, chi phí bỏ ra khi mua máy móc,…

Trên thực tế, những chi phí bảo trì gián tiếp gây ra do thiết bị hư hỏng đột ngột, thiệt hại do tuổi thọ máy giảm, thiệt hại về năng suất, thiệt hại do an toàn và môi trường lao động kém,… lớn hơn nhiều so với chi phí bảo trì nếu như phát hiện sớm và ngăn ngừa hỏng hóc xảy ra.

2. Bảo trì phòng ngừa - giải pháp bảo trì hiệu quả tại Việt Nam

Kết hợp bảo trì dựa trên tình trạng máy và bảo trì định kỳ hay còn gọi là Phương pháp bảo trì phòng ngừa (PM) sẽ giúp giải quyết vấn đề này.

Bảo trì phòng ngừa (Preventive maintenance – PM) là phương pháp bảo trì cân bằng giữa 2 yếu tố: thời gian bảo trì thiết bị định kỳ và việc kiểm tra theo dõi thiết bị, hoạt động PM sẽ kết hợp bảo trì với việc lưu giữ thông tin thiết bị. PM sẽ lưu giữ thông tin về các bất thường được tìm thấy của thiết bị từ đó dự đoán trước để ngăn chặn hỏng hóc và lỗi máy trước khi chúng xảy ra bằng cách thực hiện theo thủ tục bảo trì thường xuyên và toàn bộ. Mục tiêu là ít hơn, thời gian ngắn hơn và có thể dự đoán được hỏng hóc phải ngừng máy.

Những lợi ích của Bảo trì phòng ngừa (PM)

  • Khi thực hành đúng cách, PM sẽ ngăn ngừa hầu hết các vấn đề lớn, do đó giảm ngừng máy đột ngột, giảm chi phí thay thế phụ kiện, bảo trì khi máy hỏng.
  • Đảm bảo thiết bị đang được hoạt động tốt, không ảnh hưởng tới sản xuất.
  • Kéo dài chu kỳ sống của thiết bị và các phụ tùng thay thế cho thiết bị.

Tuy vậy, Bảo trì phòng ngừa cũng có 1 số hạn chế

  • Tốn một chi phí tiền bạc và thời gian nhất định.
  • Không cân nhắc điều kiện thực tế của thiết bị khi lên kế hoạch và thực hiện bảo trì.
  • Hư hại thiết bị khi bảo trì không đúng cách.

Trong nền sản xuất công nghiệp hiện đại, Bảo trì phòng ngừa đã được chứng minh giúp tối ưu chi phí khi chỉ phải bỏ ra một khoản chi phí về tiền và thời gian có giá trị nhỏ so với những lợi ích thu được một cách gián tiếp khi ngăn ngừa hỏng hóc. Hơn thế nữa, Bảo trì phòng ngừa sẽ đảm bảo độ tin cậy của thiết bị và là phần quan trọng nhất trong công tác bảo trì thiết bị.

Sưu tầm internet