Triễn lãm công nghệ mới trong dệt may tại Việt Nam năm 2022

Triễn lãm công nghệ mới trong dệt may tại Việt Nam năm 2022

Sáng 27/7, Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp Dệt May–Thiết bị và Nguyên phụ liệu (SaigonTex- SaigonFabric 2022) đã chính thức diễn ra tại TP.HCM. Sau 2 năm gián đoạn bởi dịch Covid-19, sự kiện mới được tổ chức lại.

 

1. Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp Dệt May

Phát biểu khai mạc triển lãm, ông Võ Tân Thành – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, dệt may là một trong những ngành sản xuất chủ lực của nền kinh tế Việt Nam, chiếm từ 12-16% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Đây là ngành tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động, giữ vai trò quan trọng và có đóng góp lớn vào quá trình phát triển nền kinh tế.

 

Hai năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 gây đứt gãy nguồn cung nguyên liệu, thu hẹp thị trường tiêu thụ…song, với sự chủ động, linh hoạt trong phương thức sản xuất, kinh doanh, ngành dệt may Việt đã từng bước vượt khó và đạt được những thành tích đáng kể.

 

Cụ thể, xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam năm 2021 đạt kim ngạch 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019. Thị phần xuất khẩu đã vượt qua Bangladesh, vươn lên vị trí thứ hai thế giới. Còn 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu dệt may ước đạt khoảng 22 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ.

 

Để thúc đẩy sản xuất của doanh nghiệp dệt may trong thời gian tới, ngoài việc hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau thì việc kết nối, thiết lập quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài để hình thành chuỗi cung ứng; mở rộng thị trường xuất khẩu là điều cần thiết. Từ mục đích đó, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), CP Exhibiition phối hợp tổ chức SaigonTex- SaigonFabric 2022. Sự kiện quy mô quốc tế này được bảo trợ bởi Bộ Công Thương, VCCI TP.HCM, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) và Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM (Agtek).

 

Với diện tích gian hàng gần 10.000 m2, 278 đơn vị đến từ 16 quốc gia & vùng lãnh thổ có nền công nghiệp dệt may phát triển sẽ tham gia triển lãm như: Trung Quốc, Đức, Hồng Kông, Ấn Độ, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Vương quốc Anh, Mỹ… cùng nước chủ nhà Việt Nam. Các doanh nghiệp tên tuổi giới thiệu các thiết bị và nguyên phụ liệu với công nghệ tiên tiến nhất thế giới hiện nay cho thị trường dệt may.

2. Nguy cơ lạc hậu nếu chậm chân

Ông Cao Hữu Hiếu – TGĐ Vinatex cho rằng, ngành dệt may ngày càng phát triển mạnh, không chỉ tự động hoá máy móc thiết bị mà còn tiến tới quản trị tự động theo thời gian thực. Bên cạnh đó, các công nghệ dệt may hiện đại cũng tập trung quan tâm giải quyết vấn đề liên quan đến sản xuất xanh, hạn chế sử dụng hoá chất, tiết kiệm tài nguyên, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo… Đặc biệt, các thế hệ công nghệ phát triển rất nhanh, đòi hỏi doanh nghiệp phải cập nhật thường xuyên nếu không muốn trở nên lạc hậu và giảm khả năng cạnh tranh.

 

 

Do đó, trong suốt 4 ngày hoạt động của sự kiện (từ 27/07 đến 30/07), loạt hội thảo sẽ được tổ chức tập trung thông tin vào các chủ đề được giới doanh nghiệp dệt may quan tâm hiện nay như: “Đánh giá tác động của chính sách kiểm soát phát thải khí carbon trên thế giới đến sản xuất và kinh doanh hàng dệt may”; “Giải pháp chuyển đổi số cho thách thức về nguồn nhân lực ngành dệt may”; “Truy xuất nguồn gốc nguyên liệu trước tác động của tình hình địa chính trị mới”; “Các biện pháp phòng vệ thương mại dệt may–da giày trong hiệp định thương mại tự do”; “Kết nối cung – cầu chuỗi cung ứng dệt may Việt Nam sau dịch bình thường mới & phát triển thương hiệu các nguyên phụ liệu dệt may”.