Hướng dẫn mã hoá thiết bị và vật tư trong quản lý bảo trì

HƯỚNG DẪN MÃ HÓA THIẾT BỊ VÀ VẬT TƯ  PHỤ TÙNG
BƯỚC CHUẨN BỊ KHI TRIỂN KHAI PHẦN MỀM QUẢN LÝ THIẾT BỊ CMMS

Hướng dẫn mã hoá thiết bị và vật tư trong quản lý bảo trì

1. Tại sao cần mã hóa thiết bị và vật tư phụ tùng và các nguyên tắc chung  

Mã được coi là tên ngắn của 1 đối tượng, không trùng lắp, khó sai sót, được sử dụng để thay thế tên gọi đầy đủ của đối tượng trong các phần mềm quản lý.

  • Thí dụ, chúng ta có 2 máy nén khí giống hệt nhau cùng mua về 1 ngày. Tuy nhiên, chúng ta cần quản lý chúng như 2 đối tượng khác nhau vì chúng có lịch sử sử dụng và bảo trì khác nhau. Do vậy, chúng ta không thể gọi chúng bằng tên chung là máy nén khí được.
  • Chúng ta cần gọi chúng là Máy nén khí số 1 và Máy nén khí số 2 để phân biệt chúng với nhau. Tuy nhiên, khi đưa tên gọi này vào phần mềm quản lý sẽ dẫn đến những bất cập sau:
  • Chúng quá dài, nên việc tìm kiếm sẽ chậm hơn.
  • Có các khoảng trắng ở giữa chuỗi ký tự nên rất dễ sai sót (bạn khó nhìn thấy để phân biệt chuỗi ký tự có 1 khoảng trắng và 2 khoảng trắng, còn máy tính thì coi 2 trường hợp này là các chuỗi ký tự khác nhau).

Để tạo thuận lợi cho việc truy vấn dữ liệu, người ta thực hiện mã hoá thiết bị và vật tư (các đối tượng cần quản lý bằng phần mềm quản lý bảo trì CMMS (Computerized maintenance management system), tương tự như việc cấp số căn cước cho các công dân.

Mã hoá thiết bị và vật tư cần phải thỏa mãn các yêu cầu sau:

  • (1) Hai đối tượng khác nhau phải có 2 mã khác nhau (tức là yêu cầu không trùng lắp).
  • (2) Ngắn gọn nhất có thể (để máy tính truy vấn cho nhanh).
  • (3) Có tác dụng gợi nhớ, thí dụ Máy nén khí có thể có mã MNK001 và MNK002, trong đó MNK là ký tự đại diện cho Máy nén khí.
  • (4) Các đối tượng cùng loại nên có chung các ký tự đại diện (để dễ sort). Các ký tự phân loại cấp cao thì đứng trước, cấp thấp thì đứng sau, cuối cùng là chuỗi ký tự số với số ký tự đủ dài để tránh tràn dữ liệu. Thí dụ chúng ta có máy nén khí trục vít và máy nén khí piston. Chúng ta có thể mã chúng thành MNK-PS-001 và MNK-TV-001, trong đó PS đại diện cho Piston và TV đại diện cho Trục vít.

2. Các chú ý khi thực hiện mã hóa thiết bị và vật tư phụ tùng

Yêu cầu (3) (4) được nêu trên đây dẫn đến yêu cầu phân loại đối tượng (mà ở đây là thiết bị hay vật tư phụ tùng).

Có nhiều cách phân loại đối tượng, thí dụ: phân loại theo loại đối tượng (như được trình bày phía trên cho máy nén khí); phân loại theo địa điểm lắp đặt (thí dụ, máy lắp tại phân xưởng A, phân xưởng B); phân loại theo đối tượng sử dụng (thí dụ phụ tùng máy nén khí).

Chọn cách thức phân loại trong đặt mã rất quan trọng vì nó kéo theo nhiều hệ lụy trong quá trình sử dụng mã.

Nguyên tắc chung khi mã hoá thiết bị và vật tư phụ tùng là phân loại dùng trong đặt mã phải là phân loại theo đặc tính bất biến.

  • Thí dụ, máy nén khí thì luôn luôn là máy nén khí, nó không bao giờ thay đổi. Thuộc tính Loại máy, nhóm máy, loại vật tư, phụ tùng thường rất hay được dùng để phân loại đặt mãThuộc tính địa điểm cũng có thể dùng để phân loại dùng trong đặt mã, nếu chúng bất biến. Thí dụ, một dây chuyền nung xi măng, chúng không có khả năng bị di dời từ nơi này sang nơi khác. Bạn có thể sử dụng phân loại này để đặt mã.

Hay, có những phụ tùng chỉ dùng duy nhất cho loại máy nhất định (đối tượng sử dụng), bạn có thể dùng phân loại của thuộc tính này để làm phân loại đặt mã.

Cuối cùng, bạn luôn phải có các ký tự chạy, thí dụ 001 vào cuối để phòng hờ việc xuất hiện các đối tượng cùng loại trong tương lai, dù hiện nay bạn chỉ có duy nhất 1 đối tượng. Số lượng ký tự chạy tương ứng với số lượng đối tượng tối đa có thể xuất hiện, thí dụ: 01 tương ứng với số lượng tối đa là 99; 001 thì tương ứng với số lượng tối đa là 999.

Nếu bạn chú ý những điểm trên đây, bạn sẽ có một hệ thống mã hóa đẹp, ổn định và quy tắc đặt mã bền vững.

Bạn có thể thấy nội dung này khá đơn giản, nhưng rất nhiều nhà máy đã vấp phải các bất cập trong việc đặt mã, do không chú ý đến các vấn đề đơn giản trên đây. 


3. Cách mã hóa vật tư phụ tùng

Số lượng vật tư phụ tùng ở các đơn vị sản xuất thường rất lớn, đến hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn. Việc mã hóa vật tư phụ tùng do đó khá phức tạp.

Bạn cũng bắt đầu bằng việc phân loại như đã được trình bày phía trên. Số cấp phân loại sẽ phụ thuộc vào số lượng vật tư phụ tùng bạn cần mã hóa. Thí dụ, dưới 3,000 vật tư phụ tùng, bạn chỉ cần chia 2 cấp, nhưng nếu bạn có trên 3,000 phụ tùng thì có lẽ bạn cần chia làm 3  cấp.

 

Nếu bạn quan tâm đến việc mã hóa vật tư phụ tùng bạn có thể gửi mail cho chúng tôi (sale@vietsoft.com.vn) chúng tôi sẽ cung cấp cho các bạn bản đồ phân loại vật tư phụ tùng. Chúng có thể sẽ rất bổ ích cho các bạn trong công việc của mình.

Nếu các bạn ứng dụng phần mềm CMMS – Vietsoft Ecomaint bạn sẽ được tư vấn cặn kẽ và chi tiết.

Chúc các bạn thành công.